Hà Nội

Mùa hè, cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản

22-05-2015 07:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Vừa qua, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị viêm não rất nặng.

Vừa qua, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị viêm não rất nặng. Bệnh nhân (BN) là cháu Nguyễn Hoàng Thanh V. (39 tháng tuổi, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm). Được biết cháu V. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, đồng tử hai bên mắt giãn, đáp ứng kém với ánh sáng, suy hô hấp, nhịp thở nhanh, sâu. BN được chẩn đoán: viêm não - nhiễm toan chuyển hóa nặng. Rất may em bé đã được cấp cứu kịp thời và thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Các chuyên gia y tế cho biết, những tháng hè sẽ là mùa cao điểm của bệnh viêm não do virut, trong đó có viêm não Nhật Bản. Bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và di chứng rất nặng nề.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Sau khi được điều trị tích cực, qua 7 ngày, tình trạng sức khỏe của BN cải thiện tốt, hết sốt, tỉnh táo, tiếp xúc được, tự thở tốt, ăn uống, ngủ được... Theo chị Nguyễn Thu H. - mẹ của cháu V., trước khi nhập viện 3 ngày, V. có triệu chứng sốt cao, ho vài tiếng. Nghĩ V. mắc bệnh sốt thông thường nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt. Sau đó, thấy V. sốt li bì, ăn uống kém, thở mệt nên đưa vào BVĐK Cam Lâm. Tại đây, các y, bác sĩ chẩn đoán V. mắc bệnh viêm phổi nặng nên chuyển đến BVĐK tỉnh. BS. Nguyễn Ngọc Huy - Phó Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết: “Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virut thông thường, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt... Vì thế, nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc khi đến viện thì đã muộn nên bệnh diễn biến nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong”. Cũng theo BS. Huy, vào mùa hè thường có sự gia tăng các bệnh nhiễm khuẩn nói chung và bệnh viêm não nói riêng. Bệnh viêm não, viêm màng não do nhiều loại virut gây ra, thường là do các Arbovirus (trong đó có virut viêm não Nhật Bản), virut Herpes, các virut đường ruột (như EV71 gây bệnh tay-chân-miệng), sởi, quai bị và các virut khác chưa biết rõ. Tuy nhiên, các Arbovirus là loại virut thường gây bệnh viêm não trong mùa hè nắng nóng. Mầm bệnh có ở những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa... Do đó, để phòng tránh bệnh viêm não cho trẻ, đối với các Arbovirus - bệnh lây qua côn trùng như: muỗi, ve..., việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ trẻ bị côn trùng đốt khi chơi ngoài trời (lúc bình minh hoặc hoàng hôn - thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay chân cho trẻ; sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ; phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao. Riêng đối với virut gây bệnh viêm não Nhật Bản, đã có vắc-xin phòng bệnh; vì vậy, người dân cần thực hiện tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ. Đây cũng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Thảo Ly

 

 

 

 


Ý kiến của bạn