Bệnh lỵ có thể do vi khuẩn (Shigella) gây ra và ký sinh trùng amíp (Entamoeba histolytica) gây ra. Bệnh lây theo đường ăn uống (phân - miệng) do đó có thể gây thành dịch. Bệnh kiết lỵ có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm. Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa.
Triệu chứng của bệnh
Có hai thể bệnh, đó là bệnh kiết lỵ cấp tính và kiết lỵ mạn tính.
Thể cấp tính có hội chứng kiết lỵ điển hình, bao gồm đau bụng, mót rặn và đi ngoài phân có máu lẫn với chất nhầy như mũi. Đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần đi ngoài không có nhiều phân. Một số trường hợp có thể có tiêu chảy nhưng không rầm rộ như lỵ trực khuẩn (Shigella). Đau bụng quặn từng cơn, đau dọc theo khung đại tràng trước khi đi ngoài. Đi kèm với đau bụng là mót rặn. Người bệnh đau bụng rất muốn đi ngoài nhưng khi ngồi vào nhà vệ sinh rất lâu nhưng không đi ngoài được (vì vậy, thường gọi là bệnh đi nhanh về chậm). Người bệnh bị kiết lỵ thường có bụng trướng, đầy hơi, khó chịu. Nếu bệnh nặng, người bệnh có thể bị suy kiệt (do phải rặn nhiều kèm theo mất máu) hoặc bị mất nước và rối loạn chất điện giải trong trường hợp có tiêu chảy.
Thể mạn tính, khi bị kiết lỵ amíp cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm, không đúng phác đồ, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, điều trị rất phức tạp do lỵ amip đã chui vào trong niêm mạc ruột tạo thành các kén amíp. Bệnh xuất hiện từng đợt gây đau bụng, đi ngoài ra máu tươi kèm nhày mũi nhất là khi ăn các loại thức ăn lạ, nhiều mỡ. Đây được gọi là viêm đại tràng mạn tính do kiết lỵ.
Đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm là một cách phòng tránh bệnh kiết lỵ.
Tiến triển của bệnh kiết lỵ
Nếu chẩn đoán đúng lỵ amíp, điều trị đúng, khẩn trương và chăm sóc tốt, bệnh khỏi nhanh và khỏi hoàn toàn. Nếu để muộn, không được điều trị đúng thuốc hoặc không được chữa trị hoặc chữa trị sai sẽ dẫn đến một số hậu quả xấu. Đó là trở thành bệnh kiết lỵ mạn tính hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Để chẩn đoán kiết lỵ cấp tính có thể xét nghiệm phân bằng soi tươi có thể thấy amíp di động bởi chân giả, nhưng với kiết lỵ mạn tính, việc làm này rất khó đạt hiệu quả. Có thể nội soi đại tràng để xác định tổn thương và lấy bệnh phẩm xét nghiệm tế bào.
Biến chứng do kiết lỵ gây ra
Hay gặp nhất là chảy máu đường tiêu hóa gây thiếu máu hoặc có thể gây thủng ruột là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm vì gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời.
Có thể gây bán lồng ruột hoặc lồng ruột do các dây chằng bị sẹo làm thắt, hẹp trực tràng hoặc tạo thành các u nang amíp lành tính ở manh tràng hoặc đại tràng xích-ma. Lỵ amíp mạn tính gây nên viêm đại tràng mạn tính dễ bị suy kiệt do rối loạn tiêu hóa kéo dài. Nguy hiểm hơn của lỵ amíp là gây áp-xe gan, nếu không xử trí kịp thời sẽ vỡ tràn vào phúc mạc gây viêm phúc mạc, tràn vào cơ hoành, phổi gây áp-xe rất nguy kịch.
Nguyên tắc điều trị bệnh
Khi nghi bị bệnh kiết lỵ cần đến bệnh viện để được khám, xác định bệnh và điều trị ngay. Nguyên tắc là dùng thuốc Tây y đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bên cạnh đó nếu người bệnh có hiện tượng mất nước, mất chất điện giải do tiêu chảy cần được bù đắp hoặc truyền dịch hoặc uống dung dịch oresol (ORS) để bù nước và chất điện giải.
Mùa hè đã đến cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín (uống nước đun sôi để nguội), không ăn rau sống, không ăn thực phẩm còn sống (nem chua, nem chạo, tiết canh…). Cần rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cho cả trẻ em và người lớn bằng xà phòng. Gia đình có người bị kiết lỵ cần quản lý phân người bệnh không để vương vãi ra môi trường (nông thôn), muốn vậy, hố xí phải hợp vệ sinh để cho các chất sát khuẩn mạnh như vôi bột, cloraminB… Cơ quan chức năng nên có kiểm tra sức khỏe định kỳ (xét nghiệm phân tìm bào nang amíp) cho các đối tượng là người bán, chế biến thực phẩm (nhân viên phục vụ ăn, uống, người nội trợ…), khi phát hiện cần điều trị dứt điểm cho họ.