Nguyên nhân viêm mũi dị ứng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng trong đó thường thấy nhất là tình trạng bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật, hóa chất. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm mũi dị ứng khi cơ địa của người bệnh bị dị ứng khi tiếp xúc với các thành phần trên.
Thời tiết thay đổi đột ngột, hanh khô hay trở rét đậm cũng là yếu tố gây kích ứng niêm mạc mũi khiến cho bệnh hình thành và phát triển.
Một trong những nguyên nhân gây viêm mũi mà có thể mọi người không biết chính là việc lạm dụng thuốc xịt mũi trong thời gian dài. Điều này vô tình làm cho niêm mạc bên trong mũi bị xơ hóa và khô gây phù nề, xung huyết niêm mạc.
Bệnh viêm mũi dị ứng còn hình thành do biến chứng của một số bệnh lý đường hô hấp như viêm amidan, viêm phổi cấp, viêm xoang, viêm họng…
Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng. Theo thống kê cho thấy nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị viêm mũi dị ứng thì xác suất con cái bị bệnh này là khoảng 30%. Con số này được ước tính lên tới 50% nếu một người có cả bố và mẹ bị bệnh.Với những người bị bất thường trong cấu trúc của mũi như: vẹo, gai vách ngăn mũi... có thể làm tăng sự nhạy cảm của niêm mạc mũi và kích thích làm bệnh phát sinh.
Biểu hiện viêm mũi dị ứng
Khi mắc viêm mũi dị ứng, người bệnh có các biểu hiện như: hắt hơi, chảy mũi dịch trong, ngạt mũi gây khó thở do phù nề cuốn mũi. Người bệnh thường xuyên bị ngứa mũi, chảy mũi nhiều nhất là vào buổi sáng, ngứa họng, ngứa ở khóe mắt, phù mi mắt dưới, ngứa ống tai ngoài...
Các biểu hiện khác có thể xảy ra như: Cảm giác ớn lạnh nhưng không sốt, triệu chứng nặng là sốc phản vệ (dị ứng thuốc, thức ăn...).
Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị cũng như chăm sóc, phòng bệnh ngay từ đầu thì có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang và làm bệnh hay tái phát.
Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng?
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này khi:
- Người thân trong gia đình đang bị viêm mũi dị ứng.
- Bệnh nhân hen suyễn, chàm da.
- Thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, chứa hóa chất độc hại.
- Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị mắc viêm mũi dị ứng do hệ miễn dịch của bé còn kém nên khó có thể chống lại được các tác nhân gây hại. Mặt khác, cấu tạo mũi của đối tượng này cũng chưa hoàn thiện nên dễ phản ứng với bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật,…
- Phụ nữ có thai.
- Người có dị tật mũi bẩm sinh.
- Người mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa.
Phòng viêm mũi dị ứng tái phát
Viêm mũi dị ứng là bệnh thường hay tái phát, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi bất thường khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát, mọi người cần:
- Giữ ấm vùng mũi, cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
- Đeo khẩu trang khi tới những nơi đông người hoặc ra ngoài đường.
- Ngủ, làm việc ở những nơi thoáng đãng, đủ ánh sáng.
- Vệ sinh không gian sống và đồ dùng cá nhân sạch sẽ.
- Ăn những thực phẩm lành mạnh, tươi xanh, giàu dưỡng chất.
- Không hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích.
- Nghỉ ngơi khoa học và tập thể dục nhẹ nhàng.
Những điều trên đây chỉ là giải pháp làm giảm nguy cơ tái phát viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi.
Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm do đó, khi bệnh nhân bị tái phát hoặc bệnh trở nặng cần đến bác sĩ khám và chữa trị kịp thời.Nếu muốn trị viêm mũi dị ứng hiệu quả, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ về liệu trình thuốc, không lạm dụng hoặc tự ý ngừng thuốc khi vừa thấy dứt triệu chứng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.
Ngoài ra, người bệnh có thể vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để giúp mũi thông thoáng, lấy đi các dị nguyên bám vào niêm mạc và rửa sạch nhầy mủ tồn đọng. Trường hợp sử dụng thuốc xịt mũi, người bệnh nên lưu ý dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.