Múa hài nhưng chẳng dễ cười

21-05-2018 06:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I năm 2018 (do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức) khép lại hồi cuối tháng 4/2018 tại Đà Nẵng được đánh giá là hướng tiếp cận mới, góp phần đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người thì tìm tiếng cười từ múa hài không hề đơn giản.

“Thông điệp cuộc sống” dưới góc nhìn của nghệ sĩ múa

Chủ đề cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I là Thông điệp cuộc sống. Nội dung các tác phẩm xoay quanh đời sống văn hóa, tinh thần, cuộc sống lao động, quan hệ ứng xử, những câu chuyện vui trong kho tàng văn hóa dân gian cũng như trong hiện thực đời sống đương đại, qua đó phê phán cái xấu, cái thấp hèn để hướng tới cái đẹp, cao cả.

Cuộc thi đã thu hút 40 tác giả với 39 tác phẩm đến từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi tác phẩm dự thi là một công trình sáng tạo, sự tìm tòi của các biên đạo. Nhiều vấn đề nóng trong xã hội đã được các biên đạo khai thác, đưa lên sân khấu múa. Nếu trào lưu “sống ảo” của nhiều bạn trẻ trong thời kỳ công nghệ số được phản ánh qua tác phẩm múa Sống ảo (Biên đạo Võ Thu Hương) thì vấn nạn coi trọng bằng cấp không thực chất được phản ánh qua Tiến sỹ giấy (Biên đạo Huỳnh Nhật Danh). Nữ hoàng linh trưởng (Biên đạo Lê Hoàng Châu) với thông điệp bảo vệ voọc chà vá chân nâu và bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng. Thầy bói xem voi (Biên đạo Kim Huệ) truyền tải thông điệp chưa bao giờ cũ về cách nhìn, cách đánh giá sự việc, con người. Những câu chuyện hài hước trong quá trình khởi nghiệp từ nông nghiệp của cô kỹ sư trẻ mới ra trường được thể hiện sinh động trong tác phẩm Khởi nghiệp (Biên đạo Huỳnh Nhật Danh)…

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác giả đã sử dụng khá nhuần nhuyễn ngôn ngữ của nhiều loại hình múa khác nhau như múa dân gian dân tộc, cổ điển Châu Âu, hiện đại, hip hop, dance sport để thể hiện nội dung, tính cách nhân vật. Một số tác phẩm có sự tìm tòi, sáng tạo cao, đầu tư công phu, mang lại tiếng cười thâm thúy, sâu sắc.

Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 3 giải A, mỗi giải 12 triệu đồng cho các tác giả và tác phẩm: Tễu đời (NSƯT Nguyễn Văn Dũng, Nông Thị Minh Hằng), Báu vật của cha (Biên đạo Tống Mai Len), Chuyện công viên (Trần Tấn Thông). 6 tác phẩm đoạt giải B, mỗi giải trị giá 9 triệu đồng gồm: Cháo hành (Đỗ Thị Kim Tiển), Khởi nghiệp (Huỳnh Nhật Danh), Xuân Thì (Phạm Quỳnh Dương và Nguyễn Phương Linh), Sống ảo (Võ Thu Hương), Hãy cho tôi rác (Phạm Ngọc Hiền), Đi bắt cá (Ktiêng). 5 tác phẩm đoạt giải C mỗi giải trị giá 7 triệu đồng gồm: Nữ hoàng linh trưởng (Lê Hoàng Châu), Mục đồng (Trần Quốc Bả), Ô của quan (Nguyễn Hải Trường), Cú Nhỉa Cạu (Phạm Thị Thu), Xuôi và ngược (Phạm Hồng Hà).

Khó như sáng tác múa hài

Bên cạnh những tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng, sự tìm tòi, sáng tạo, không ít tác phẩm bị đánh giá là gượng ép để tạo tiếng cười. Có khán giả còn nói vui rằng, có tác phẩm phải “cù nách” thì mới có thể cười được. Nói thế để thấy rằng, sáng tác múa hài rất khó. Nhiều người có thể sáng tác múa nhưng không phải ai cũng thành công với múa hài.

Để cười được đòi hỏi người xem phải hiểu ngôn ngữ múa, nội dung tác phẩm múa. Múa là nghệ thuật của tạo hình nên có tính trừu tượng cao, không phải ai xem múa cũng có thể hiểu và thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật múa. Cái hài trong múa hài khác với các loại hài khác đang có hiện nay. Múa hài không tạo ra tiếng cười ngay lập tức, phản ứng tức thì gây cười mà sẽ thông qua ngôn ngữ cơ thể mang đến niềm vui, nụ cười, tiếng cười sâu xa.

Nhiều biên đạo trẻ chia sẻ rằng, họ tham gia cuộc thi vì muốn thử sức mình ở một sân chơi mới. Sáng tác múa hài nhiều thử thách nhưng cũng rất thú vị và hấp dẫn. Tạo tiếng cười trong múa hài không dễ. Nó đòi hỏi phải có kịch bản, ý tưởng hay, tư duy sáng tạo cao của người biên đạo. Làm thế nào để vừa có thể gây cười, vừa có thể truyền tải thông điệp, ý nghĩa sâu xa đằng sau tiếng cười là vấn đề không hề đơn giản. Nếu làm không khéo, tác phẩm múa dễ rơi vào chuyện chọc cười thô thiển, thiếu ý tứ. Tôi cho rằng, ngoài ý tưởng, chủ đề tác phẩm hay, ngôn ngữ múa phù hợp, người biên đạo cũng như người biểu diễn cần “duyên hài” trên sân khấu. Duyên hài là cái “trời cho” mà không phải người nghệ sĩ nào cũng may mắn có được.

Thời gian gần đây, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam rất nỗ lực tiếp cận, đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Có lẽ, điều đáng tiếc nhất của cuộc thi năm nay chính là công tác quảng bá. Thông tin về cuộc thi cũng như tác giả, tác phẩm tham gia cuộc thi rất “yên ắng” trên các phương tiện truyền thông. Đây thực sự là điều đáng tiếc trong công tác tổ chức.


Giang Thiên
Ý kiến của bạn