Trong 4 tác phẩm sân khấu thuộc chương trình nghệ thuật đặc biệt “Lưu Quang Vũ - Người trong cõi nhớ” kỷ niệm 27 năm ngày mất nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ (Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức từ 29/8 - 5/9), đáng chú ý có vở Mùa hạ cuối cùng được giới thiệu tới khán giả.
Nhắc đến Lưu Quang Vũ, giới yêu nghệ thuật sân khấu nước nhà sẽ nhớ tới những tác phẩm lừng danh do ông chắp bút: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Bệnh sĩ, Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng... Các tác phẩm này dù phủ lớp bụi thời gian song vẫn còn đầy ắp giá trị nghệ thuật. Không thể phủ nhận, sáng tác kịch của Lưu Quang Vũ luôn hàm chứa tính xã hội sâu sắc, chất chứa những giá trị nhân văn, khẳng định niềm tin vào cuộc sống, chia sẻ những tình cảm yêu thương chân thành, tình yêu quê hương đất nước cũng như đánh thức trong tâm hồn con người về sự vị tha và lòng bao dung trong cuộc sống.
Cảnh trong vở kịch Mùa hạ cuối cùng.
Ra đời cách đây hơn 30 năm và đã được dàn dựng từ ngày mới “ra lò”, nhưng đến nay Mùa hạ cuối cùng do Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại vẫn khiến khán giả nhiều thế hệ dạt dào cảm xúc, phải động lòng suy nghĩ. Mùa hạ cuối cùng dịp này có sự kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh để phù hợp với bối cảnh hiện đại, song không vì thế mà làm nhạt thông điệp của nhà viết kịch họ Lưu. Nội dung Mùa hạ cuối cùng nói về Châu - một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kỳ thi cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, cậu học trò này ngay lập tức phản ánh với thầy giáo trông thi. Tuy nhiên, sự thẳng thắn, trung thực của Châu được đáp lại bằng sự trách móc của giáo viên coi thi và sự khó chịu của bạn bè. Điều đáng nói hơn, ngay cả gia đình cũng không ủng hộ sự trung thực, thẳng thắn của Châu.
Sự việc từ Châu bại lộ, Ban giám hiệu nhà trường đã có cuộc họp khẩn. Tuy nhiên, đứng trước danh dự và các danh hiệu của nhà trường, sự phát giác của Châu không được chấp nhận. Từ đó, Châu bỗng thay đổi và trở thành một học sinh cá biệt, ngạo mạn. Trong lúc thất vọng nhất, Châu đã tìm tới thầy giáo chủ nhiệm, nhưng dù là người đã đứng về phía học trò, thầy giáo của Châu lại khuyên cậu rằng: “Nhiều khi chúng ta phải nhượng bộ cuộc sống!”. Mất lòng tin vào tất cả, Châu quyết định bỏ nhà ra đi, gia đình và thầy cô, bạn bè đã đổ xô đi tìm Châu nhưng bất lực. Bất ngờ, trong một lần đi xem phim, Châu làm loạn rạp chiếu phim nên bị mời lên gặp công an. Từ nguồn tin của công an, mọi người thân biết tin Châu và đến đưa cậu trở về.
Lúc đầu, Châu không đồng ý nhưng nhờ sự quan tâm của Oanh - bạn thân của Châu và những cơn mưa mùa hạ đã cuốn đi mọi hờn giận, thất vọng để Châu trở lại vui vẻ. Và rồi, nhà trường họp lần hai, thực hư câu chuyện lộ đề thi của Châu đã được làm sáng tỏ. Sự trong sạch được trả lại cho Châu và cậu trở về với những ngày tháng học trò vui vẻ, trong trẻo... Xem vở kịch này, khán giả nhận ra thông điệp của Mùa hạ cuối cùng: “Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối”.
Mùa hạ cuối cùng không chỉ là câu chuyện của riêng nhân vật Châu mà là câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Tác phẩm này đặt ra câu hỏi: Làm sao để chúng ta có thể nâng đỡ những con người trẻ tuổi trong những bước đầu đời với biết bao ước mơ cao đẹp và sự trung thực, thánh thiện? Bởi thế Mùa hạ cuối cùng đặt trọng tâm về vấn đề giáo dục con người bằng niềm tin. Và dù có thế nào chăng nữa, tác phẩm này của Lưu Quang Vũ vẫn nhằm ca ngợi tình thầy trò và cả niềm trăn trở trước căn bệnh thành tích trong các nhà trường. Quan trọng hơn, Mùa hạ cuối cùng muốn đánh thức trong tâm hồn những người trẻ sự bình tĩnh, tỉnh táo, can đảm và cả lòng vị tha để hướng tới một xã hội văn minh, tươi đẹp!
Cùng với vở kịch nói Mùa hạ cuối cùng, trong chương trình “Lưu Quang Vũ - Người trong cõi nhớ”, Ban Tổ chức còn biểu diễn 3 vở: Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm (Nhà hát Tuổi trẻ) và Nàng Sita (Nhà hát Chèo Hà Nội) phục vụ khán giả tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).
Thùy Trang