Hà Nội

Múa đương đại Cầu nối đưa “hồn” dân tộc ra thế giới

03-05-2014 16:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - NSND, Biên đạo múa Phạm Anh Phương là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho múa đương đại ở Việt Nam.

NSND, Biên đạo múa Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho múa đương đại ở Việt Nam. Những sáng tác của ông như Lời ru của rừng, Bến Lụy, Mênh mang mùa xuân, Hồn gió Việt, Nhựa sống… với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa múa đương đại với múa dân gian dân tộc đã được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đón nhận. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về múa đương đại ở Việt Nam.

NSND Anh Phương

NSND Anh Phương

Sau hơn 20 năm du nhập, định hình và phát triển ở Việt Nam, theo ông, múa đương đại Việt Nam đang đứng ở đâu trong dòng chảy múa đương đại thế giới?

Múa đương đại ở Việt Nam đang có những bước chuyển mình nhanh chóng, nhất là trong mấy năm trở lại đây. Phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, diễn viên Việt Nam trên sân khấu múa đương đại đã có nhiều tiến bộ, thậm chí không thua kém diễn viên của nước ngoài. Trong nhiều chương trình hợp tác giữa VNOB với các đoàn nghệ thuật nước ngoài, diễn viên của nhà hát luôn được biên đạo, chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về kỹ thuật cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ múa đương đại trong biểu diễn. Tuy nhiên, nếu so sánh múa đương đại Việt Nam với múa đương đại thế giới ở tầm “vĩ mô” thì có lẽ sẽ là sự so sánh khá “khập khiễng”. Múa đương đại xuất phát từ phương Tây, còn ở Việt Nam, múa đương đại là “hàng nhập ngoại”.

Điều đó có nghĩa là, dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng khó theo kịp sự phát triển của múa đương đại thế giới?

Nếu học và áp dụng y nguyên những gì của phương Tây, biểu diễn lại những gì của họ thì chúng ta mãi mãi là người đi sau. Điều quan trọng là phải học cái hay trong múa đương đại phương Tây, làm cầu nối đưa tâm hồn Việt ra thế giới, quảng bá múa dân gian dân tộc. Múa dân tộc trong thời kỳ hiện nay không thể là múa theo kiểu “nguyên canh” (sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc nguyên bản - TP) mà phải được “hiện đại hóa” cho phù hợp với xu hướng, nhu cầu thẩm mỹ của con người trong thời đại mới. “Hồn dân tộc” trong ngôn ngữ múa dân gian dân tộc hiện đại mới là món ăn “lạ” với người nước ngoài.

Tác phẩm Hồn gió Việt của NSND Phạm Anh Phương (ảnh phải).

Tác phẩm Hồn gió Việt của NSND Phạm Anh Phương (ảnh phải).

Vâng, việc sử dụng ngôn ngữ múa đương đại trong sáng tác đang là trào lưu rất “thịnh” trong thời gian gần đây, ông đánh giá thế nào về cách sử dụng ngôn ngữ múa đương đại của đội ngũ biên đạo trẻ?

Đội ngũ biên đạo trẻ ngày càng hùng hậu và trong đó, nhiều người có tài, có những tác phẩm đã tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Lợi thế của họ là sức trẻ, được đào tạo bài bản, nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới, dám nghĩ, dám làm. Đây là những yếu tố rất cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Trong hòa trộn ngôn ngữ múa, người biên đạo cũng giống như một “nhà pha chế” tài ba, anh phải biết “liều lượng” múa dân gian, múa cổ điển châu Âu, múa đương đại phương Tây bao nhiêu là đủ. Không phải động tác múa dân gian nào cũng có thể “lai” múa đương đại nếu giữa chúng không có sự tương đồng nhất định về luật động, về tiết tấu, tạo hình. Một vài biên đạo trẻ đã lạm dụng ngôn ngữ múa đương đại quá mức, thừa thãi, đôi khi gây phản cảm.

Tôi thấy rằng, một vấn đề khác rất đáng bàn trong sáng tác của những người trẻ là “thiếu phong cách riêng” trong sáng tạo nghệ thuật. Rất ít biên đạo hiện nay tạo được dấu ấn qua những tác phẩm múa, trong khi trước đây, khi xem múa, người ta có thể biết ngay được đó là sáng tác của NSND Chu Thúy Quỳnh, Công Nhạc hay NSND Anh Phương, chẳng hạn?

Đây cũng là vấn đề mà tôi khá trăn trở. Cứ cho rằng cái đích chung cần hướng đến là những tác phẩm múa dân tộc hiện đại nhưng nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo mang dấu ấn cá nhân đậm nét nên mỗi biên đạo phải tìm được cách thể hiện riêng của mình, khẳng định cá tính sáng tạo riêng của mình. Theo tôi, ngoài việc sử dụng nhuần nhuyễn múa đương đại phương Tây, múa dân gian dân tộc, người biên đạo cần có một chiều sâu tư duy, lối tư duy theo cách của từng người để thể hiện được thông điệp nghệ thuật mà mình muốn gửi đến khán giả. Bên cạnh đó, biên đạo trẻ cũng cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và phải thực sự có trách nhiệm trong sáng tạo. Có lẽ, đây là điều mà các biên đạo trẻ đang thiếu chăng?

Cảnh trong vở ballet Những người đãng trí (ảnh trái).

Cảnh trong vở ballet Những người đãng trí (ảnh trái).

Một vài chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa xuất hiện ở Việt Nam như “Thử thách cùng bước nhảy, “Vũ điệu đam mê”, “Bước nhảy hoàn vũ” đã có những đóng góp tích cực trong việc quảng bá nghệ thuật nhảy múa. Nhưng tôi thấy rằng, một vài tác phẩm biên đạo múa của người nước ngoài sử dụng múa dân gian dân tộc đôi khi còn “chất” hơn cả biên đạo Việt Nam?

Trên những sân khấu này, nhiều loại hình nhảy múa đã xuất hiện như ballet, múa đương đại, hip hop, dance sport... và qua đó, nghệ thuật múa có cơ hội để đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Những tác phẩm múa ngắn nhưng thường chứa đựng thông điệp nghệ thuật rõ ràng và thiên về khai thác yếu tố kỹ thuật, biểu diễn và giải trí cũng có thể giúp người xem nhận thức đúng đắn về nghệ thuật múa, ngoài những bài múa minh họa có khi là “thảm họa” mà họ được xem nhiều trên sân khấu giải trí.

Trở lại câu hỏi chính, như tôi đã nói, mấu chốt là việc sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ múa và biên đạo nước ngoài thường rất giỏi trong vấn đề này. Họ biết chắc rằng, nếu họ học và dàn dựng nguyên múa dân gian dân tộc Việt thì họ sẽ mãi là người “đến sau”, không bao giờ bằng ta được nên phải tìm ra cái “hồn cốt”, cái đặc trưng nhất trong múa Việt để làm chất liệu sáng tác. Tính dân tộc trong múa dân gian dân tộc không đơn giản là động tác, ngôn ngữ, đội hình, tuyến múa, âm nhạc mà đó còn là cái “hồn” trong múa. Có tác phẩm múa sử dụng chất liệu múa đương đại nhưng khi xem vẫn biết là múa của dân tộc nào, thế mới thực là cái tài của người nghệ sĩ.

Theo ông, múa đương đại Việt Nam hiện nay cần thêm những yếu tố gì để phát triển?

Cũng giống như múa cổ điển châu Âu và múa dân gian dân tộc, múa đương đại cần tiếp tục được Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa. Theo tôi, việc quảng bá, nâng cao nhận thức của nhân dân về múa, trong đó có múa đương đại là rất cần thiết. Việc đầu tư, hỗ trợ về kinh phí cho các chương trình về múa đương đại cũng cần tiếp tục được triển khai vì thực tế hiện nay, việc tìm kiếm nhà tài trợ cho các chương trình cũng rất khó khăn và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các tác phẩm múa. Bên cạnh đó, nhìn về tầm chiến lược, cũng đã đến lúc nghĩ đến việc thành lập một đoàn múa đương đại như rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện.

Xin được trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa này.

Tường Phạm (thực hiện)


Ý kiến của bạn