Sáng 27/9, thông tin từ UBND các huyện Thanh Chương, Quỳ Châu, Quế Phong (tỉnh Nghệ An), đêm 26/9 nhiều bản làng trắng đêm không ngủ vì lo sợ mưa lũ, nước dâng. Nhiều gia đình bị ngập đồ đạc, nguy cơ lũ cuốn nên ra đường tìm nơi cao ráo chống chọi sáng đêm.
Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, đoạn Quốc lộ 48 đi qua địa bàn xã Châu Hội bị ngập khiến xe cộ không thể lưu thông. Mực nước tại cầu treo Châu Hội đã mấp mé mép cầu, người dân không dám đi qua. Nhiều ruộng lúa, ao cá của người dân Châu Hội bị nước ngập, thiệt hại gần như hoàn toàn.
Tại bản Lâm Hội, nước lên nhanh khiến nhiều tuyến đường và trường mầm non bị ngập cục bộ. Cán bộ xã, bản và người dân trắng đêm kiểm tra, nhắc nhở và hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng.
Còn tại xã Châu Bình, nhiều nhà dân ngập và dọc một số tuyến đường, người dân phải ra đường tránh ngập. Đến sáng nay 27/9 nước đã dần rút tuy nhiên, một số tuyến đường vẫn ngập nặng.
Toàn huyện Quỳ Châu có các xã bị ảnh hưởng như: Châu Bình ngập từ dốc 77 (phía trên đập phụ Bản Mồng) đến đầu xã Châu Bình, ngập khu dân cư bản Khoang, bản Đồng Phầu, bản Bình Ba, bản Kẻ Kang. Xã Châu Hạnh ngập khu dân cư bản Tà Lành, sạt lở đoạn đường tại dốc Kẻ Lè, ngập một đoạn Quốc lộ QL48 giáp thị trấn Tân Lạc.
Tại địa bàn thị trấn Tân Lạc ngập Quốc lộ 48 đoạn giữa thị trấn, ngập khu dân cư khối 4, khối 2, khối Tân Hương. Xã Châu Thắng, ngoài ngập đoạn QL48 phía chân dốc Bù Bài, còn sạt lở núi tại điểm tiếp giáp với xã Châu Tiến, ngập cầu Châu Thắng và dân cư hai bên cầu. Còn tại xã Châu Tiến, ngập các ruộng lúa, khu dân cư bản Minh Tiến dọc bờ sông.
Do mưa lớn dồn dập cộng với thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập từ khoảng hơn 2 giờ sáng hôm qua đến nay nên nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã bị ngập lũ, đặc biệt là các xã nằm dọc sông. Qua nắm bắt ban đầu, hiện hai điểm trường mầm non và tiểu học ở bản Tà Sỏi (xã Châu Hạnh – huyện Quỳ Châu) nước đã dâng lên ngập đến mái, nhiều điểm trường ở xã Châu Thắng nước cũng đã tràn khoảng 1 mét vào trường.
Hiện tất cả các trường trên địa bàn huyện đã cho học sinh nghỉ học và tình trạng ngập úng diễn ra tại nhiều địa bàn trên toàn huyện, kể cả khu vực thị trấn, bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu thông tin.
Ở huyện Quế phong mưa lũ cũng gây ngập nhà cửa, người dân trắng đêm cứu đồ đạc, di dời đến nơi an toàn. Nhiều ruộng lúa, ao cá của người dân bị nước ngập, thiệt hại gần như hoàn toàn.
Ngoài ra, ở huyện Quế Phong, một số bản của xã Tiền Phong, Quang Phong mưa lũ cũng gây ngập nhà cửa, người dân trắng đêm cứu đồ đạc, di dời đến nơi an toàn. Một số trường hợp người dân ngủ ở chòi canh cá bị cô lập phải nhờ người ứng cứu đưa vào bờ an toàn.
Ông Lữ Thanh Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, cho biết trong sáng nay, qua nắm bắt ban đầu các trường tại các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Kim, Nậm Giải, Hạnh Dịch đã cho tất cả học sinh nghỉ học. Các địa phương còn lại, việc nghỉ học có thể diễn ra cục bộ nếu điểm trường bị chia cắt, không đi lại được.
Trước diễn biến mưa lũ, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn trên địa bàn. Địa phương này yêu cầu chính quyền các cấp chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn gây ngập úng và sạt lở đất.
Trước tình hình mưa lớn liên tục những ngày qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An nhận được thông báo của các Nhà máy Thủy điện Khe Bố, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Bản Ang, Nậm Mô…về việc vận hành xả nước hồ chứa thủy điện.
Theo tổng hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến 7h sáng nay (27/9/2023) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này đã cho học sinh nghỉ học. Trong đó, một số huyện có số trường nghỉ học nhiều như Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Nguyên nhân chính là do mưa to và thủy điện xả lũ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập. Các huyện còn lại như Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, việc nghỉ học diễn ra cục bộ tại những địa bàn bị chia cắt.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường từ rất sớm trong việc chủ động phòng tránh mùa mưa lũ. Trong đó, yêu cầu, tùy theo tình hình thực tế, chủ động cho học sinh nghỉ học và thông báo sớm để tránh việc học sinh vẫn đến trường.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình để quản lý học sinh nghỉ học ở nhà để không xảy ra sự việc đáng tiếc.