Mùa dịch, bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới vắng vẻ

19-10-2018 12:17 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và bệnh sởi vẫn đang gia tăng nhanh chóng ở các tỉnh phía Nam.

Tại các bệnh viện tuyến trên, 1 giường bệnh nằm ghép tới 3, 4 trẻ, thậm chí bệnh nhi phải nằm tràn ra cả ngoài hành lang. Nhưng trái ngược với tình cảnh này, tại các bệnh viện tuyến dưới - dù đang nằm trong vùng bệnh nhưng lại vắng vẻ, đìu hiu, số bệnh nhân đến khám và điều trị rất ít so với số bệnh nhân mắc bệnh tại địa phương.

Ồ ạt đưa trẻ nhập viện tuyến trên -  bệnh cộng thêm bệnh

Bệnh TCM hiện đang vào mùa, với số bệnh nhân thường tăng cao vào tháng 8 đến tháng 11. Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, sổ mắc cả nước giảm 25,3% số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh chóng trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Thời gian qua, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, số trường hợp đến khám, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh viện nhi của Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi,... đồng loạt tăng mạnh gây tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện. Theo thống kê, mỗi ngày tại các bệnh viện này có hơn 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú, thậm chí có nhiều ca đến chỉ để khám bệnh đau đầu, chóng mặt.

Mùa dịch, bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới vắng vẻĐiều trị cho bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Những ngày đầu tháng 9, số bệnh nhân tới khám và điều trị bệnh TCM, bệnh sởi liên tục tăng mạnh tại các bệnh viện tuyến trên. Nhiều trường hợp vượt tuyến để trị các bệnh thông thường như phổi, tim mạch, nhưng do quá tải, đông đúc vô tình dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo các bệnh như TCM, sởi,...

Tại BV Bà Rịa  - là bệnh viện nằm trên địa bàn có số bệnh nhân mắc bệnh TCM nhiều thứ 5 của cả nước từ đầu năm tới nay. Dù bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ nhân lực tốt nhưng mỗi ngày, Khoa Nhi của Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tiếp nhận 10 - 15 bệnh nhân nhập viện do bệnh TCM và sởi. Con số này ít hơn so với tình hình dịch bệnh thực tế hiện tại của tỉnh. Trong khi đó, tại các bệnh viện tuyến trên như: Nhi đồng I, Nhi đồng II, lại quá tải.

Bệnh viện tuyến cơ sở hoàn toàn đủ năng lực điều trị khỏi bệnh TCM, sởi

Lý giải về nghịch lý bệnh viện tuyến cơ sở thưa vắng còn bệnh viện tuyến trên quá tải trong mùa bệnh, BS. Vương Quang Thắng - Trưởng khoa Nhi - BV Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra nguyên nhân: Hiện nay, tâm lý người dân hay lo lắng thái quá nên dù nhân viên y tế tại các tuyến phường, xã có tuyên truyền chăm sóc sức khỏe rất kỹ và tốt nhưng người dân vẫn lo lắng và đưa trẻ lên tuyến trên.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: Không chỉ vào mùa dịch, thực tế, gần 70% người dân sống ở nông thôn nhưng số lượng bệnh nhân chủ yếu tập trung về các bệnh viện tuyến trung ương. Trong khi đó, hơn 40% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến trung ương đều có thể điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và 11% bệnh nhân có thể điều trị khỏi ở trạm y tế xã.

Tình trạng các phụ huynh đưa con em mình ồ ạt nhập viện các tuyến trên, bỏ qua các bệnh viện tuyến dưới tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo cao: Bệnh nhân bị TCM hoặc sởi có thể lây cho các bệnh nhân bị các bệnh khác tới điều trị tại bệnh viện.

Cũng đồng quan điểm này, BS. Phạm Ngọc Tường Vi - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, bệnh nhân sởi và TCM hoàn toàn có thể khám và điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và phát hiện bệnh ở các trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, do tâm lý của các phụ huynh thường không tin tưởng các bệnh viện tuyến dưới, nên dù bệnh nhi mắc TCM độ nhẹ vẫn chấp nhận vượt tuyến đưa con lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Theo quy định, bệnh viện không có quyền từ chối bệnh nhân, nên nếu có bệnh nhi thì các bác sĩ phải chấp nhận điều trị.

Khi phát hiện bệnh nhi TCM độ nặng, phụ huynh mới cần phải đưa bé lên bệnh viện tuyến trên. Đối với trường hợp trẻ nghi bệnh hoặc bệnh nhẹ, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện huyện, tỉnh hoặc trạm y tế để tránh lây nhiễm chéo.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn