Như thường lệ, các “điểm đen” về ngập lụt lại tái xuất. Người dân nhiều khu vực của Hà Nội đã có một đêm không ngủ vì... thừa nước. Và sau tín hiệu báo mùa mưa bão khởi động, nhiều người còn khó ngủ vì… lo.
Điệp khúc “mưa - ngập” đến hẹn lại lên
Chỉ ít phút sau khi mưa ồ ạt xối xả, nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội chìm sâu trong nước, từ khu vực phố cổ Tạ Hiền đến trung tâm như Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, lan ra khu vực Long Biên, Tây Hồ như Thụy Khuê, Đội Cấn, Văn Cao đến khu vực Thanh Xuân như Trường Chinh, Giải Phóng, phủ khắp Thái Hà, Hoàng Cầu, Láng, Xuân Thủy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng…
Người dân Thủ đô lại một phen khốn đốn vì mưa ngập.
Đặc biệt, gần như không có quận nội thành nào “né” được việc điểm tên trong danh sách ngập nước. Từ Ngọc Lâm (Long Biên) sang đến Nguyễn Chính (Tân Mai - Hoàng Mai); Định Công; Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy)...
Mưa lớn khiến những điểm nóng giao thông qua các hầm chui bị tê liệt, các phương tiện ùn ứ dài hàng trăm mét. Các phương tiện di chuyển hết sức khó khăn, thậm chí kẹt cứng cục bộ. Không chỉ khiến nhiều phương tiện bị hỏng, việc nước không rút kịp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người dân.
Nước tràn vào nhà khiến đồ điện tử hư hỏng, sinh hoạt khó khăn, nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Khu chợ Nhà Xanh nước ngập mấp mé gian hàng khiến nhiều tiểu thương nháo nhào thu dọn. Ở một góc khác, một số cư dân trẻ tuổi lại tranh thủ tận hưởng niềm vui hiếm có khi cởi trần tắm mưa, thậm chí… bơi trong phố.
Theo ghi nhận, ở khu vực phố cổ, một số tủ lạnh trong nhà dân còn tự động bị nước cuốn trôi ra ngoài phố, khu vực quận Tây Hồ tại các phố Thụy Khuê, Văn Cao, Đội Cấn, Đốc Ngữ…, nhiều điểm ngập qua đầu gối người dân. Đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), phương tiện không thể di chuyển, ngành chức năng cắm biển cấm cả 2 đầu. Đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) nước đã mấp mé nhà dân.
Đến 22h30, nhiều tuyến đường vẫn còn bị ngập sâu, giao thông vẫn ùn tắc do nước ngập sâu, trời vẫn còn mưa nặng hạt. Đường ngập đã làm nhiều phương tiện bị chết máy, người dân phải khó nhọc dắt xe dầm mình trong mưa lớn. 0h sáng 13/5, 4 tiếng sau khi cơn mưa lớn trút xuống Hà Nội, nhiều cửa hàng xe máy ở quanh khu vực tuyến đường Nguyễn Trãi đi qua vẫn tấp nập người đến sửa xe. Tại một cửa hàng nằm trên phố Nguyễn Xiển, các nhân viên phải làm liên tục từ 9h tối. Nhiều chủ xe đang vội hoặc không chấp nhận được giá sửa chữa cao đành nhờ người kéo xe về.
Thủ đô lại chìm trong biển nước chỉ ít phút sau một cơn mưa xối xả.
Công ty thoát nước vẫn “bế tắc”
Chỉ tính riêng về mưa, mỗi mùa Thủ đô đều xuất hiện hàng chục cơn mưa lớn tương tự khiến người dân vô cùng lo lắng. Mới năm ngoái, khi Hà Nội đưa vào vận hành hệ thống thoát nước hơn 600 triệu USD nhưng bà con vẫn phải chịu trận vì hệ thống chả hề “thấm” được tí nước nào mỗi khi một cơn mưa tầm cỡ đổ xuống.
Từ tháng 9/2017, trên trang web của Công ty Thoát nước Hà Nội đã “khoe khéo” một thông tin rằng công tác tiêu thoát nước và chống ngập trên địa bàn đang được cải thiện đáng kể khi Công ty Thoát nước Hà Nội đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước tự động.
Tuy nhiên, cả số tiền khổng lồ cộng với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mới chỉ dừng ở việc giúp cho việc thông báo các điểm ngập để công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội chạy ra “mở nắp cống xả” mỗi khi đường ngập hoặc giúp cho các bộ phận quản lý… ngồi quan sát, đo đạc và thống kê các điểm ngập mà thôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, để chống ngập cho Thủ đô, hạ tầng thoát nước Hà Nội cần phải “đại phẫu” lại. Trong khi đó, theo các kiến trúc sư và chuyên gia về quy hoạch đô thị, thay vì dồn hết nước về phía Nam như hiện nay, cần phân vùng để có sự san sẻ lũ, nâng cao khả năng tiêu thoát mỗi khi Hà Nội mưa lớn.
Do Hà Nội mở rộng và mật độ các công trình xây dựng quá lớn và sít sao, trước kia chỉ thoát nước về khu vực phía Nam là vùng 1 (trạm bơm Yên Sở) là đủ thì nay cần có thêm vùng 2 - phía Bắc và vùng 3 - phía Tây. Tại mỗi vùng này sẽ nâng cấp hoặc lắp đặt các trạm bơm mới để hỗ trợ Trạm bơm Yên Sở đẩy nước ra sông Nhuệ, sông Hồng. Cùng với đó, để nước nhanh chóng được gom về các trạm bơm, ngoài hệ thống sông, kênh tự chảy, thành phố cần phải lắp đặt thêm ống ngầm, thậm chí phải sử dụng cả đường ngầm tại các tuyến metro vào việc thoát nước khi Hà Nội ngập.