Múa dân gian dân tộc trên sân khấu truyền hình: Vì sao đắng đót?

09-01-2015 07:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Truyền hình thực tế về nhảy múa đang đem đến một sắc màu mới cho các chương trình của các nhà đài.

Truyền hình thực tế về nhảy múa đang đem đến một sắc màu mới cho các chương trình của các nhà đài. Công bằng mà nói, thông qua truyền hình thực tế về nhảy múa, khán giả được biết nhiều hơn về nghệ thuật múa, qua đó, thêm yêu múa và những vũ công đang cháy hết mình trên sân khấu. Tuy nhiên, cũng có thực tế trên sân khấu, múa dân gian dân tộc dường như không có “đất” diễn hoặc có nhưng chẳng ai ngó tới.

Ít đất diễn cho múa dân gian…

Tại chương trình “Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance” (TTCBN) mùa thứ ba, sau 6 tháng tranh tài, đêm chung kết sôi động và đầy màu sắc đã khép lại vào tối 3/1 vừa qua. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, Sơn Lâm - chàng trai 19 tuổi với sở trường hiphop đã đăng quang với phần thưởng trị giá 400 triệu đồng. Trong 3 mùa tổ chức giải, ngôi vị Quán quân luôn thuộc về những chàng trai, sáng sân khấu và đều “xuất thân” từ hiphop (Lâm Vinh Hải - Quán quân mùa thứ nhất; Ngọc Thịnh - Quán quân mùa thứ hai). Mùa giải năm nay, tôi thấy tiếc cho Đình Hoàng, cũng như Thái Sơn của mùa giải trước, những người theo đuổi dòng múa dân gian đương đại đều phải ngậm ngùi dừng bước sớm. Một điều rất rõ rằng, với cuộc thi phần lớn phụ thuộc vào khán giả, nhất là khán giả trẻ như TTCBN thì vũ công theo dòng dancesport hay hiphop sẽ có lợi thế hơn.

Bài múa trên nền nhạc “Dạ cổ hoài lang” – tác phẩm múa dân gian duy nhất trong đêm chung kết xếp hạng TTCBN.

Ngay từ đầu mùa giải, Ban Tổ chức cuộc thi TTCBN cho biết sẽ tăng cường biên đạo ngoại, theo đó, ½ số tác phẩm trong đêm thi sẽ do biên đạo ngoại dàn dựng. Với biên đạo ngoại, thế mạnh của họ là ý tưởng sáng tạo và ngôn ngữ múa hiện đại nên việc thiếu vắng những tác phẩm múa dân gian là tất yếu. Một vài biên đạo ngoại cũng khai thác, dàn dựng tác phẩm trên chất liệu múa dân gian dân tộc Việt Nam nhưng chủ yếu là chất liệu múa của dân tộc Việt và “bắt” “cái hồn”, “cốt” của múa là chính chứ không còn “đậm” chất liệu múa dân gian như vốn có. Trong mỗi đêm thi, hàng chục tác phẩm được dàn dựng và biểu diễn nhưng “đất” giành cho múa dân gian chỉ có 1-2 tác phẩm. Đêm thi của top 4 diễn ra vào cuối tháng 12 cũng chỉ có duy nhất một bài múa lấy chủ đề về Tre Việt Nam (biên đạo Kiều Lê) do Phạm Lịch và Đức Tiến biểu diễn trên nền nhạc giao hưởng. Đêm chung kết xếp hạng và trao thưởng vừa qua cũng chỉ có tác phẩm múa trên nền nhạc Dạ cổ hoài lang (biên đạo Kiều Lê) của hai thí sinh Tấn Huy và Thương Hoài.

Cùng thời điểm diễn ra đêm chung kết TTCBN 2014, Bước nhảy hoàn vũ – Dancing with the star 2015 cũng lên sóng đêm thi đầu tiên trên VTV3. Mặc dù đêm thi đầu tiên theo phong cách tự do (free style) nhưng cũng chẳng có tiết mục nào là múa dân gian dân tộc. Trước đó, Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng có hẳn một đêm thi mang tên “Đêm dân gian” nhưng chỉ lác đác một vài tiết mục là múa dân gian dân tộc Việt Nam, còn lại là múa dân gian các quốc gia khác trên thế giới. Múa bụng, hiphop (belly dance) luôn là dòng múa được các thí sinh lựa chọn trên những sân chơi như Vũ điệu đam mê – Got to dance hay Tìm kiếm tài năng Việt Nam – Việt Nam’s got talent.

Làm hỏng múa dân gian dân tộc

Múa dân gian dân tộc đã là “của hiếm” trên sân khấu truyền hình thực tế nhưng khi xuất hiện, múa dân tộc không ít lần khiến người làm nghề giật mình. Tiết mục múa dân tộc Thái mà Kiều Lê dàn dựng cho Xuân Thảo, Đức Tiến trong đêm chung kết thứ 5, Chương trình Thử thách cùng bước nhảy mùa thứ 3, năm 2014 nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Lấy ý tưởng về tình cảm của cặp vợ chồng người Thái, để giữ chồng không bỏ đi chơi, cô gái đã buông mái tóc tuyệt đẹp của mình, thực hiện những động tác múa gợi lên hình ảnh về những cô gái Thái tắm rửa, gội đầu. Câu chuyện và cấu tứ của tác phẩm hay nhưng có lẽ biên đạo đã khai thác quá nhiều múa đương đại khiến chất liệu múa Thái không rõ nét. Trong cả tác phẩm không thấy có bóng dáng của bất kỳ động tác múa Thái nào mà thay vào đó là quá nhiều những động tác bê đỡ, quay, nhảy, lăn lộn không phù hợp với văn hóa Thái. Trong múa Thái, dù múa khăn hay múa nón, múa đàn, phần chân luôn là những bước đi nhẹ nhàng, lướt đi trên sàn diễn chứ không phải là bay, quay, nhảy, đôi khi là mạo hiểm như làm xiếc. Nhận xét về tiết mục này, Giám khảo, biên đạo múa Tuyết Minh cũng phải lên tiếng về sự táo bạo và phá cách của biên đạo trong việc dàn dựng tác phẩm từ chất liệu múa dân gian.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với tác phẩm múa trên nền nhạc bài Bà Rằng Bà Rí do Mạnh Quyền và Tố Như thể hiện trong đêm “Meet Top 10” (biên đạo NSƯT Thái Đạt Minh và Nguyễn Vĩnh Hiển). Trong tác phẩm múa có đoạn Tố Như máy váy đụp nằm ngửa giữa sân khấu, hai chân giơ cao để Mạnh Quyền chạy lại ôm. Không hiểu hình tượng múa diễn đạt điều gì nhưng nhìn từ phía dưới trông rất phản cảm. Trong đêm chung kết “Vũ điệu đam mê” mùa đầu tiên, Tô Lâm - Á quân cuộc thi đã trình diễn tác phẩm múa dựa trên tích truyện Thị Màu lên chùa. Sự kết hợp giữa múa dân gian dân tộc và hiphop khiến không ít khán giả phải thốt lên vì múa dân gian đang bị “biến dạng trầm trọng”. Những động tác múa đương đại, hiphop có thể phô trương kỹ thuật nhưng đặt cạnh múa dân gian người Việt vốn được biết đến với sự tinh tế, uyển chuyển bỗng trở nên kệch cỡm và không có gì liên quan đến nhau. Tiết mục biểu diễn múa Mông kết hợp với nhảy dancesport của Khôi Nguyên và Yến Nhi trong liveshow “Đêm dân gian”, Chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí 2014 cũng vậy. Nếu ở phần đầu, Yến Nhi và Khôi Nguyên vào vai những cô bé, cậu bé người Mông vui vẻ, nhí nhảnh với điệu múa ô, múa khèn đáng yêu bao nhiêu thì phần sau, hai em khiêu vũ thể thao trong trang phục Mông lại trông phản cảm bấy nhiêu.

Sơn Lâm (thứ ba từ trái qua) là chàng trai thứ 3 (sau Lâm Vinh Hải và Ngọc Thịnh) theo thể loại hiphop đăng quang TTCBN mùa thứ ba.

Múa dân gian dân tộc sẽ đi về đâu?

Tôi luôn tự hỏi rằng, trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là các bạn trẻ, múa dân gian dân tộc là gì và đang phát triển ra sao giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại. Những tác phẩm múa dân gian đương đại không thực sự “chuẩn mực” trên truyền hình có đem đến góc nhìn “lệch chuẩn” về múa dân gian dân tộc. Một thực tế đáng buồn là sau mỗi chương trình, các trang báo mạng lại rầm rộ bàn tán, ca tụng những tác phẩm dân gian dù đó không thực sự là tác phẩm xuất sắc và các MC thì luôn gắn nó với cụm từ “tác phẩm kinh điển”. Các chuyên gia đang nói đến tình trạng múa dân gian đang bị mai một. Sự mai một này đáng báo động ở chỗ, ngay cả trong đời sống cộng đồng ở các miền quê – nơi sản sinh ra múa dân gian dân tộc cũng không còn mấy người biết đến múa dân gian. Bên cạnh đó, múa dân gian dân tộc cũng không còn xuất hiện nhiều trên sân khấu múa chuyên nghiệp.

Truyền hình thực tế về nhảy múa đang trở thành cầu nối đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Đây là những giá trị tích cực mà chúng ta không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra là truyền hình thực tế có “trách nhiệm” phải mang đến những góc nhìn chân thực về múa dân gian dân tộc hay không là một vấn đề khác. Trong thời buổi hiện nay, khi truyền hình đang phải cạnh tranh vì nhiều lý do khác nhau thì trước tiên, người ta chú trọng đến yếu tố giải trí mà múa dân gian thì rất khó để mang đến yếu tố giải trí hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên…

Phạm Thiên Giang

 

 

 


Ý kiến của bạn