Khi dịch bệnh hoành hành, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, trường học phải đóng cửa, trẻ bị tách khỏi bạn bè, đây là lúc các con cần được yêu thương, chăm sóc hơn bao giờ hết. Nhiều cha mẹ có nhu cầu sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin nhằm tăng cường đề kháng cho trẻ.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy "thuốc tăng cường miễn dịch" hoặc bất kỳ chất bổ sung nào có thể ngăn ngừa COVID-19 ở cả người lớn và trẻ em.
Để trẻ khỏe mạnh không nên phụ thuộc vào việc dùng thuốc. Các khuyến cáo dinh dưỡng cho thấy, một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, hoạt động thể dục, thể thao sẽ là lựa chọn tối ưu cho sức khoẻ của trẻ. Nếu cha mẹ quan tâm đến việc cho trẻ dùng sản phẩm bổ sung vitamin, thì cần đảm bảo liều lượng phải ở trong mức cho phép hàng ngày được khuyến nghị dựa trên độ tuổi của trẻ.
Vitamin có hai loại: Tan trong chất béo và tan trong nước. Những chất hòa tan trong nước nói chung là vô hại, vì được thải ra ngoài qua nước tiểu. Vấn đề nằm ở các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, E, D và K. Khi chúng được bổ sung quá mức, có thể ảnh hưởng đến trẻ, thậm chí nguy hiểm. Vì vậy, khuyến nghị các bậc cha mẹ khi sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin cho trẻ cần được bác sĩ kê đơn.
Có cần bổ sung vitamin C cho trẻ?
Trong thời gian đại dịch, nhiều gia đình muốn tăng cường sức đề kháng cho trẻ thường lựa chọn các loại vitamin khác nhau, trong đó có vitamin C.
Nhưng cần lưu ý, trẻ dưới 6 tháng bú hoàn toàn sữa mẹ không cần bổ sung vitamin C. Và bổ sung vitamin C bằng thuốc cũng chỉ nên sử dụng trong thời gian 7-10 ngày, không nên sử dụng kéo dài. Vì nếu cho trẻ uống quá nhiều trong một thời gian dài có thể dẫn đến loét dạ dày, tiêu chảy, đau bụng và sỏi thận... gây nguy hiểm.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể bổ sung nước ép, các loại trái cây có nhiều thành phần vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Các loại trái cây họ cam quýt như cam và bưởi cũng là những nguồn vitamin C tuyệt vời. Một quả cam trung bình cung cấp 70mg vitamin C.
Nhìn chung, nhu cầu vitamin và khoáng chất cho trẻ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng, tốc độ tăng trưởng và mức độ vận động của trẻ nhiều hay ít. Nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, đủ chất thì không cần bổ sung thêm vitamin C. Vì vậy, điều cần thiết trong thời gian này, là cho trẻ ăn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc mỗi ngày.
Bổ sung vitamin D cho trẻ như nào?
Thời gian giãn cách xã hội kéo dài, trẻ giảm các hoạt động ngoài trời cũng như tham gia các hoạt động thể thao, hạn chế vận động. Bổ sung vitamin D có thể được khuyến nghị trong thời gian này, nhưng cần đặc biệt chú ý đến liều lượng.
Hầu hết các loại thực phẩm thông thường đều được tăng cường các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin D để trẻ có thể nhận được những gì chúng cần. Nếu cha mẹ vẫn muốn sử dụng các sản phẩm bổ sung, hãy đảm bảo liều lượng cho phép hàng ngày được khuyến nghị.
Dùng vitamin D liều hàng ngày là cách an toàn nhất. Hạn chế dùng vitamin D liều cao trong dự phòng và điều trị vì dễ gây ngộ độc, nguy hiểm cho trẻ. Liều lượng cần bổ sung vitamin D3 là 400 IU/ ngày. Uống vào buổi sáng và trưa không phụ thuộc bữa ăn.
Ngoài ra, khuyến khích trẻ tham gia tập thể dục và vận động nhằm làm giảm tình trạng thiếu vitamin D3 và canxi ở trẻ.
Cách tốt nhất để giữ an toàn cho trẻ là chủ động phòng ngừa
Rất nhiều sản phẩm bổ sung vitamin trên thị trường chứa liều lượng lớn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em, ngay cả khi chúng được dung nạp tốt ở người lớn. Các sản phẩm bổ sung vitamin D là một ví dụ điển hình cho điều này.
Hàm lượng vitamin D khuyến nghị là không quá 400 IU mỗi ngày. Việc cho nhầm một giọt hoặc 1 ml cũng có thể cung cấp 10.000 IU rất nguy hiểm cho trẻ. Tương tự, vitamin C, kẽm và các chất bổ sung thường chứa liều lượng rất cao, có thể không an toàn cho trẻ và làm tăng các tác dụng phụ, một nguy cơ có thể lớn hơn bất kỳ lợi ích nào.
Cách tốt nhất để giữ an toàn cho trẻ là phòng ngừa. Khuyến khích trẻ thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm như rửa tay bằng xà phòng, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tụ tập nơi đông người và biến đó thành một phần của thói quen hàng ngày của cả nhà.
Trẻ nên có chế độ ăn uống và vận động hợp lý phòng và giảm bệnh béo phì và các bệnh tâm lý, tật cận thị do sử dụng nhiều thiết bị điện tử trong thời gian nghỉ học và ở trong nhà.
Trong trường hợp có lo ngại về sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể chọn tư vấn bác sĩ từ xa và đặt lịch khám trong trường hợp cần kiểm tra lâm sàng.
Tuyệt đối không tham khảo các đơn thuốc dự phòng, điều trị COVID-19 trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm chứng để áp dụng cho trẻ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội