Khi trào lưu của những vũ điệu sansal, nóng bỏng đi qua, giới văn phòng, thậm chí cả những người trung niên lại tìm đến loại hình thể thao, giải trí mới – múa cột.
Múa cột du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2008, nhưng đến thời điểm này mới trở thành trào lưu, thu hút sự tò mò khám phá của nhiều người. Cũng giống như sansal, về cơ bản múa cột là môn thể thao với những động tác khá khêu gợi. Tuy nhiên, khi vượt qua “rào cản chướng mắt” này, múa cột có thể mang lại nhiều lợi ích không ngờ về sức khỏe và tâm lý cho người tập.
Múa để khỏe
Khác biệt hẳn với các loại hình thể thao, nhảy múa khác, múa cột là sự kết hợp, vận động toàn cơ thể, từ lắc hông, uốn người đến xoay, trèo, nhào lộn… Chính vì sự kết hợp uyển chuyển này mà mọi bắp cơ được tập luyện đều, dẫn đến sự dẻo dai thon gọn. Theo nhiều nhà chuyên môn, một buổi tập múa cột 45 phút, cơ thể có thể tiêu hao khoảng 400calo.
![]() |
Theo vũ sư Phương Liên, những điệu múa mềm dẻo có thể giúp tăng sức của cơ thể và mang lại tinh thần lạc quan cho người tập, vì khi hưng phấn cơ thể sẽ giải phóng các hormone (endorphin và serotonin), giúp tác động tích cực đến tâm lý.
Cần vượt qua “rào cản”
Dù không ai có thể phủ nhận lợi ích về sức khỏe mà múa cột có thể mang lại, song chính yếu tố “gợi cảm” trong từng động tác khiến nhiều người dù muốn tập cũng e ngại.
Nhiều người quan niệm, múa cột là không lành mạnh, chỉ dành cho gái nhảy trong quán bar, nhưng thực tế múa cột đang ngày càng trở nên phổ biến vì vừa mang lại sức khỏe, vừa có khả năng phô diễn vẻ đẹp cơ thể. Cũng vì định kiến này và sợ bị đánh giá là “không đứng đắn” mà nhiều người phải trốn chồng con đi tập. Chị Thu Trang (nhân viên Marketting, Công ty Sóng đẹp, TP.HCM) nói: “Chiều nào cũng tranh thủ đến trung tâm California học múa cột, nhưng cứ phải nói với chồng là đi tập thể dục vì sợ ông cấm”.
Riêng cô Phương Liên cho biết: “Múa cột là môn học đòi hỏi sự tinh tế với những động tác gợi cảm, nhiều người e dè, ngại tập. Nhưng nếu đã vượt qua được sự e ngại đó, bạn sẽ cảm thấy rất hưng phấn và thích thú, thậm chí bạn còn cố gắng tập luyện thế nào để có được những động tác đẹp, phô diễn được vẻ đẹp cơ thể”.
Thực tế, khi vượt qua rào cản, có thể tập luyện múa cột, phụ nữ sẽ cảm thấy yêu bản thân mình hơn, có khả năng tự làm chủ cơ thể mình. Theo cảm nhận chung của những người đã từng theo học môn này, những động tác múa cột giúp họ thoải mái, tự nhận thức về cơ thể mình cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, giúp họ gạt bỏ những e ngại thường gặp trong cuộc sống, thay vào đó là sự tự tin và muốn tận hưởng những khoảnh khắc tốt đẹp của cuộc sống.
MỘC THẢO Buổi trình diễn múa cột đầu tiên vào năm 1968 là của Belle Jangles tại nhà một quan chức tại Oregon. Trào lưu múa cột ngày nay được tin rằng bắt nguồn từ Canada vào thập kỷ 80 trong một câu lạc bộ khiêu vũ, Canada cũng là quê hương của một trong những nhà vô địch múa cột thế giới : Fawnia Mondey. Múa cột nhanh chóng lan rộng sang Mỹ và sau đó là cả thế giới. Múa cột được công nhận trên toàn thế giới bao gồm châu Âu, châu Úc và châu Á.