Chiều tối ngày 9/9, Khoa Mắt- Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận nam bệnh nhân N. V. H, sinh năm 1989 trú tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào viện trong tình trạng chảy máu mắt trái và không nhìn thấy gì.
Qua khai thác bệnh sử và thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán mắt trái bệnh nhân bị vết thương xuyên thủng nhãn cầu, rách giác mạc phức tạp, phòi kẹt mống mắt và xẹp tiền phòng.
Bệnh nhân đã được xét nghiệm sàng lọc âm tính với SARS-CoV-2 ngay trước khi nhập viện. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân ngay sau đó.
Theo lời kể của bệnh nhân H, trước khi nhập viện khoảng 3 giờ đồng hồ, anh đi mua cò về để làm thịt, trong lúc bắt anh bị cò mổ vào mắt trái. Ngay tức thì mắt anh không nhìn thấy gì và đau nhức dữ dội. Người nhà đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Trương Thị Quý Hợi, Phó trưởng Khoa Mắt, đồng thời là phẫu thuật viên chính cho biết: "Đây là một trường hợp chấn thương mắt nặng do cò mổ, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc cẩn thận mống mắt phòi kẹt ra bên ngoài bị mủn nát và nhiễm bẩn, sau đó tiền hành khâu giác mạc rách phức tạp và tái tạo tiền phòng.
Qua kiểm tra ngay trên bàn mổ, chúng tôi chưa thấy tổn thương thủy tinh thể và các phần khác. Hy vọng, bệnh nhân sẽ phục hồi thị lực dần".
Hiện tại, bệnh nhân trong tình trạng ổn định, vết thương mắt đang phục hồi dần.
Bác sĩ Hợi khuyến cáo, "Trong quá trình công tác, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bị chấn thương mắt do cò mổ, có trường hợp mặc dù các bác sĩ đã cố gắng phẫu thuật tốt nhất nhưng không tránh được mù lòa do chấn thương các cấu trúc nhãn cầu quá nặng".
"Điểm đặc biệt của con cò là khi có vật màu đen di chuyển trước mắt ngay lập tức nó mổ vì tưởng là con mồi. Cấu tạo của mắt con người cũng vậy, khi liếc mắt thì tròng đen (phần giác mạc) di chuyển, con cò cũng tưởng đó là mồi. Do vậy, người dân khi tiếp cận cò phải để mắt tránh xa tầm săn mồi của nó", BS Hợi khuyên.
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội