Công an huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương vừa tạm giữ một xe ôtô tải chứa 388 khẩu súng hơi thể thao, 117 ống giảm thanh và 5kg pháo hoa các loại. Trước đó nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ mua bán vũ khí quân dụng cũng bị các lực lượng chức năng trong cả nước phát hiện. Những vụ việc trên cho thấy nguy cơ mất an toàn xã hội trong nước có thể diễn ra nếu không có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.
Do lợi nhuận cao
Cụ thể vụ việc, vào khoảng 1giờ ngày 6/10, trong lúc tuần tra trên quốc lộ 13, đoạn gần bia chiến thắng Bàu Bàng, thuộc xã Lai Uyên, tổ tuần tra công an huyện Bàu Bàng phát hiện một chiếc xe ô tô tải mang BKS 51C-637.66 do tài xế Trần Nam Tuấn (27 tuổi, ngụ tại Quận Gò Vấp, TP.HCM) điều khiển có dấu hiệu khả nghi nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Lúc này, bất ngờ một đối tượng bung cửa xe tải bỏ chạy vào vườn cao su. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành vây bắt đối tượng này. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trong thùng xe chứa 388 khẩu súng hơi thể thao, 117 ống giảm thanh và 5kg pháo hoa các loại. Lái xe Tuấn không xuất trình được giấy tờ có liên quan tới lô hàng trên. Tổ tuần tra đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và lô hàng để tiến hành điều tra làm rõ.
Vũ khí quân dụng bị cơ quan chức năng thu giữ.
Qua khai thác củng cố hồ sơ tài xế Trần Nam Tuấn khai nhận, số hàng trên được chủ xe thuê vận chuyển từ Long An lên Bình Phước nhưng không biết đó là hàng gì. Còn chủ lô hàng trên là Lê Văn Thành (44 tuổi, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Dương) khi thấy công an đã bung cửa bỏ trốn vào vườn cao su và bị bắt giữ sau đó. Tại cơ quan công an, Thành khai số súng, ống giảm thanh và pháo hoa trên được Thành mua từ Indonesia về Bình Phước để bán kiếm lời. Theo lời Thành, số súng hơi được mua với giá 25 USD/khẩu và dự định sẽ bán lại với giá gấp đôi. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an huyện Bàu Bàng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Mới đây, ngày 31/7, cơ quan chức năng vừa phát hiện và bắt giữ lô hàng vũ khí quân dụng gồm 94 khẩu súng cùng gần 500 băng đạn chưa qua sử dụng nhập lậu vào lãnh thổ Việt Nam qua đường hàng không tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Lô súng thuộc dòng CZ P-07 do Cộng hòa Séc sản xuất. Lô hàng được cất giấu tinh vi, được tìm thấy trên một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đây là vụ nhập khẩu trái phép vũ khí quân dụng lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay. Do lợi nhuận “khủng”, các đối tượng buôn bán súng, vũ khí sẵn sàng tìm mọi thủ đoạn để nhập lậu mặt hàng cấm này.
Liên quan đến việc tàng trữ vũ khí quân dụng, từ đầu năm đến nay Công an các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM...liên tục ra quân trấn áp các loại tội phạm thu giữ số lượng lớn, nhiều ổ tàng trữ, mua bán, sản xuất thứ vũ khí chết người này bị bóc gỡ. Tất cả khai nhận của các đối tượng đều do lợi nhuận chi phối hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất vũ khí của họ.
Chế tài đã đủ mạnh - Cần xử lý nghiêm minh
Việc vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sản xuất vũ khí quân dụng đều bị pháp luật không cho phép, tuy vậy vì lợi nhuận các đối tượng sẵn sàng vi phạm pháp luật, họ không biết được rằng với các loại vũ khí này vào tay các đối tượng xấu thì nguy cơ đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân và trật tự an toàn xã hội như thế nào? Pháp luật hiện cũng đã đủ chế tài để xử lý, nhiều vụ việc đã được đưa ra xử lý nghiêm minh với bản án cao nhất, nhưng tình trạng vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sản xuất vũ khí quân dụng chưa có chiều hướng giảm.
Theo Luật sư Phạm Huy Tuyến, Công ty Luật Phạm Danh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Đối với vũ khí quân dụng. Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 1năm và cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.
Đối với các loại vũ khí thô sơ, Điều 233 Bộ luật Hình sự quy định “Người nào... tàng trữ, vận chuyển... vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ, vận chuyển... vũ khí thô sơ” với hình phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1 - 5 năm.
Trường hợp người có hành vi vi phạm về quản lý vũ khí thô sơ, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người nào có hành vi “vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ với số lượng nhỏ hơn mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không còn giá trị” bị phạt tiền từ 4-8 triệu đồng. Đối với hành vi “vận chuyển vũ khí thô sơ với số lượng lớn mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không còn giá trị” bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm nói trên.
Trần Lâm - Nguyễn Anh