Trên mạng xã hội ở nước ta hiện có không ít hội, nhóm đưa tranh của các họa sĩ có nhu cầu chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật của mình vừa sáng tác như Vietnam Art Space (hơn 40.000 thành viên), Vietnam Art Now, All about Art and Artits... Các nhóm này liên tục đưa giới thiệu nhiều tác phẩm đa dạng của các nghệ sĩ ở nhiều vùng miền, đồng thời bán đấu giá tranh online với mục đích quyên góp làm từ thiện hoặc hỗ trợ cho các họa sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động mua bán tranh ở đây vì thế trở nên sôi động và náo nhiệt, tạo được sức hút với công chúng.
Các trang web, hội nhóm mạng xã hội bán tranh online không ngừng nở rộ ở nước ta.
Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp thường tổ chức đấu giá tranh cho các họa sĩ khác trên trang mạng cá nhân, cho biết đã bán đấu giá thành công hàng trăm bức tranh. Nhóm họa sĩ Vietnam Art Space thời gian qua cũng đã bán nhiều tác phẩm của thành viên, phần lớn là tranh sơn dầu phong cảnh với nhiều mức giá nhưng không dưới 15 triệu đồng/ tác phẩm. Theo họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, bán tranh online là một xu thế mới, tạo thêm sân chơi cho họa sĩ và cũng tạo thêm sự thuận tiện cho những người mới bắt đầu sưu tập mua tranh. Nhiều năm qua, rất nhiều bức tranh của các họa sĩ đã được giao dịch trên mạng thay vì chỉ là những buổi đấu giá trong các nhà đấu giá. Không ít họa sĩ đã được định danh, thậm chí bận bịu sáng tác quanh năm vì khi trình làng tác phẩm mới và khi được giới thiệu trên mạng đều được khách hàng đăng ký mua ngay.
Đa số họa sĩ cho rằng, mua bán tranh trên mạng là một kênh hữu ích giúp họa sĩ giới thiệu tranh của mình một cách nhanh nhất đến với công chúng, có họa sĩ còn tìm được nhà sưu tập cho mình trên “thế giới ảo”. Không chỉ sưu tầm một vài bức, nhà sưu tập theo dõi sự trưởng thành của họa sĩ, cứ có bức nào mới đăng lên facebook, thấy hợp gu là đặt mua ngay. Đây chính là động lực để nhiều họa sĩ gắn bó với nghề... Mặc dù vậy, việc mua bán tranh online về lâu về dài có thể làm hỏng thẩm mỹ của cả người vẽ tranh và người chơi tranh, nếu bức tranh xấu lại được người mua có gu thẩm mỹ không tốt trả giá cao. Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại ở việc mua bán tranh trực tuyến đó là tranh giả, tranh nhái có thể đường hoàng trở thành tranh... thật. Điển hình như sự việc gia đình cố họa sĩ Nam Sơn rất bức xúc khi bức tranh Chân dung nhà sư họa sĩ Nam Sơn đã bị làm giả chữ ký và nét vẽ, sau đó một tài khoản trên facebook đã rao bán công khai với giá rất bèo bọt chỉ với 5 triệu đồng. Họa sĩ Đặng Tiến cũng có lần “kêu trời” vì tranh của anh vẫn đang giữ mà có người rao bán trên mạng với giá khuyến mại rất rẻ mạt. Bên cạnh đó, nhiều bức tranh của danh họa như Bùi Xuân Phái đến Thành Chương, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng,... cũng “được” rao bán trên mạng, song hầu hết đều là tranh giả, tranh nhái.
Giới chuyên môn cho rằng, để có thị trường tranh online phát triển đúng đắn và chất lượng, rất cần một cách làm việc chuyên nghiệp. Điều cốt lõi là chúng ta nên có một trang giới thiệu và bán tranh online theo kiểu nhà môi giới. Nó sẽ rất khác với hoạt động gallery và triển lãm bán tranh, đấu giá thông thường cũng như bán online hiện nay.