Hà Nội

Mua bán thông tin cá nhân trên mạng internet: Nhiễu loạn xã hội

28-11-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bằng những giao dịch vô cùng đơn giản như chuyển khoản ngân hàng, thẻ điện thoại... Họ đã nắm trong tay chi tiết thông tin cá nhân của rất nhiều người

Hiện nay tình trạng buôn bán các thông tin cá nhân trên mạng internet đang có những diễn biến phức tạp khi những thông tin này được bán công khai và phương thức giao dịch rất dễ dàng. Hoạt động này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều người dân, gây nên tình trạng tin nhắn rác hay thậm chí là điều tra về thân thế của nhiều người. Thực trạng này đang đòi hỏi một sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Những thông tin này từ đâu mà có?

Từ lâu, chuyện buôn bán thông tin cá nhân đã trở nên phổ biến, sau năm 2012, khi một số đối tượng bị công an “sờ gáy” vì có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người trên mạng. Và cuối năm 2013 dư luận xôn xao khi một bộ danh bạ, thông tin cá nhân của hơn 500 ngàn giám đốc các doanh nghiệp được rao bán trên mạng với giá 700 ngàn đồng. Những tưởng “nghề” này đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, cũng từ lúc đó, hành vi phạm pháp đó trở nên phức tạp và tinh vi hơn khi những thông tin này được bán công khai và phương thức giao dịch rất dễ dàng.

Bảng báo giá dữ liệu khách hàng vi phạm pháp luật rao bán trên mạng.
Bảng báo giá dữ liệu khách hàng vi phạm pháp luật rao bán trên mạng.

Anh Nguyễn Trường Nam, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, con đường đi của những thông tin này được xác định như sau: Thông tin được khách hàng đăng kí qua các giao dịch thương mại đơn thuần hoặc đơn giản hơn là khi đăng kí một tài khoản tại bất kỳ trang web nào đó sẽ khách hàng được lưu trữ tại kho dữ liệu chung... Sau đó, nhân viên nắm giữ thông tin hoặc tin tặc khai thác từ nguồn này bán cho các đầu nậu. Và bằng những giao dịch vô cùng đơn giản như chuyển khoản ngân hàng, thẻ điện thoại... Họ đã nắm trong tay chi tiết thông tin cá nhân của rất nhiều người như: tên tuổi, địa chỉ, email,... hay thậm chí là cả thu nhập cá nhân, tiền tiết kiệm hay số dư tài khoản. Và khi đã nắm giữ được những thông tin này và bằng những phần mềm hỗ trợ khác... thì việc điều tra về thân thế, sinh hoạt của một người nào đó trở nên vô cùng đơn giản. Và sẽ còn nguy hại hơn nếu những người có vị thế quan trọng, nắm giữ những bí mật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nằm trong những danh sách này.

Xử lý thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Thúy Quỳnh, Văn phòng Luật sư Đào Ngọc Lý: Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Thông tin cá nhân của người khác không thể sử dụng tùy tiện công khai hoặc mua bán một cách trái phép. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tùy theo tính chất và mức độ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, đã quy định rất chi tiết việc xử phạt hành chính thuộc nhiều lĩnh vực, cả trong mua bán trái phép thông tin cá nhân cũng như xâm phạm trái phép mạng điện tử.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (Điểm a, Khoản 5, Điều 66). Đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng (Điểm a, Khoản 4, Điều 66). Phạt tù từ 3 tháng và tối đa là 7 năm tù, nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 226 hoặc Điều 226a hoặc 226b của Bộ luật Hình sự tùy theo đặc điểm, tính chất và nội dung cụ thể của việc vi phạm đó.

Để tình trạng trên không còn tái diễn, thực tế này đang đòi hỏi cần một biện pháp quản lý chặt chẽ và mạnh tay hơn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hơn hết là người dân tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết, tránh để lộ thông tin cá nhân và rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Trung Kiên - Hoàng Mai

 


Ý kiến của bạn