Mua bán tài khoản xe công nghệ, nguy hiểm rình rập khách hàng

04-08-2023 21:11 | Xã hội

SKĐS - Trên các trang mạng xã hội hiện nay đang tràn lan các hội nhóm cho thuê, mua lại tài khoản xe ôm công nghệ với nhiều mức giá khác nhau, điều này làm tăng nguy cơ rủi ro cho các khách hàng sử dụng dịch vụ.

Gọi xe người này nhưng lên xe người khác

Tình trạng sử dụng tài khoản không chính chủ để hành nghề lái xe công nghệ đang diễn ra phổ biến, nhiều khách hàng cho biết họ đã rơi vào cảnh khi gọi xe thì là của người này nhưng lên xe lại là của người khác.

Chị Minh Hoa (34 tuổi, quận Mỹ Đình) chia sẻ, gần đây nhất, chị Hoa có đặt một chuyến xe ôm công nghệ từ đường Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) về đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), tuy nhiên biển số xe của tài xế không trùng khớp với thông tin biển số xe trên ứng dụng. Khi chị thắc mắc với tài xế, anh ta cho biết vì xe bị hỏng nên mượn xe của bạn để chở khách.

"Mỗi khi tài xế xe ôm công nghệ đến đón nếu không trùng khớp với thông tin trên ứng dụng là tôi rất lo lắng. Nếu chẳng may trên đường di chuyển xảy ra những sự cố như cướp giật, hiếp dâm... thì bản thân không biết phải giải quyết ra sao khi thông tin trên app là của người này nhưng đến đón mình lại là người khác. Chỉ khi nào tài xế đến cuối hành trình thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm" - chị Hoa nói.

Mua bán tài khoản xe công nghệ, nguy hiểm rình rập đến khách hàng - Ảnh 1.

Cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi sử dụng xe ôm công nghệ.

Tương tự, Ngọc Huyền (20 tuổi) cũng than thở về sự cố đáng tiếc trong một chuyến xe ôm công nghệ. "Gần đây, tôi có đặt một chuyến xe trên app xe ôm để đi học với chi phí 50.000 đồng. Tôi đã thanh toán qua số tài khoản ngân hàng, vì sơ suất nên tôi đã chuyển nhầm vào số tài khoản tài xế 500.000 đồng. Khoảng 3 phút sau, tôi nhận ra nên đã liên hệ với tài xế nhưng không liên hệ được. Khi tôi gọi lên dịch vụ hỗ trợ khách hàng của ứng dụng xe đó mới biết số điện thoại mà tài xế gọi cho tôi chưa đăng ký thông tin chạy xe".

Công khai mua bán, trao đổi tài khoản

Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, hiện nay trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều các trang, hội nhóm kín đăng tải nội dung cần thuê, cần mua, cho thuê tài khoản ứng dụng xe công nghệ như Grab, Be, Gojek.... Các hoạt động này diễn ra sôi nổi mỗi ngày.

Liên hệ với Q.Đ trong một hội nhóm để thuê tài khoản chạy xe ôm công nghệ, phóng viên được biết hiện nay giá thuê sẽ dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/ tài khoản cho 1 tháng. Nếu mua tài khoản thì sẽ có giá từ 1.500.000 - 2.000.000 triệu đồng/ tài khoản, tùy vào thời gian đã đăng ký lâu hay mới sử dụng.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi cho thuê, mua bán tài khoản xe ôm công nghệ - Ảnh 2.

Nhiều bài đăng cho thuê tài khoản ứng dụng xe ôm công nghệ trên mạng xã hội.

Khi phóng viên thắc mắc nếu như người của công ty chủ quản kiểm tra gương mặt của tài xế thì bên bán tài khoản có hỗ trợ không? Q.Đ trấn an rằng hoàn toàn yên tâm vì bản thân đã bán nhiều tài khoản nên biết. Trong trường hợp cần chứng minh chính chủ, người chủ đăng ký tài khoản sẽ hỗ trợ. Hình thức cho thuê khá đơn giản, có thể thuê theo tháng hoặc vài tháng tùy vào nhu cầu khách hàng.

Có dấu hiệu hành vi mua bán thông tin cá nhân

Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về thực trạng mua bán tài khoản xe ôm công nghệ, Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống Luật sư X cho biết: Sự bùng nổ của thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đã kéo theo hàng chục nghìn lượt đăng ký tài khoản trên các nền tảng khác nhau. Tuy nhiên thực tế ghi nhận có nhiều tài xế không còn chạy xe nữa đã bán, cho thuê tài khoản của mình cùng với các phụ kiện đi kèm như áo khoác, mũ,…

Điều này đã dẫn đến tình trạng khi khách hàng đặt xe nhưng tài xế và biển số xe không trùng khớp với thông tin trên ứng dụng, gây hoang mang, lo sợ và nguy hiểm đối với người đặt xe. Pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này và lực lượng chức năng còn gặp khó khăn trong công tác xác minh, xử lý các vi phạm như trên.

Tuy nhiên, tài khoản lái xe công nghệ cũng có thể coi là một thông tin cá nhân. Chính vì vậy hành vi mua bán thông tin cá nhân có thể bị xử phạt. Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân có thể bị xử phạt từ 40 triệu đến 60 triệu đồng. Đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh rủi ro khi đi xe ôm công nghệ, người dân cần kiểm tra thông tin cụ thể, chỉ đồng ý lên xe khi thông tin tài xế trùng khớp từ biển số xe, số điện thoại và hình ảnh tài xế.

Mời các bạn xem thêm video được quan tâm:

Chân Dung Kẻ Mang Súng “Trả Thù” Khiến Bố Và Anh Trai Người Yêu Trọng Thương | SKĐS



Đan Tâm
Ý kiến của bạn