Mua được đồ đẹp trong các shop hay siêu thị thì là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng nếu chọn được những món đồ đẹp và ưng ý, giá lại rất rẻ so với giá trị thực tại các đống đồ bày bán trên vỉa hè lại là chuyện khác thường. Có không ít người mua tự hỏi không biết các loại hàng này có nguồn gốc từ đâu? Liệu rằng, mình có tiếp tay cho những kẻ chuyên chôm đồ không nhỉ?
Trên vỉa hè các tuyến phố Hoàng Cầu, Nguyễn Chí Thanh, Lò Đúc, đường Đê La Thành, Nguyễn Trãi (Hà Nội)... cứ sau giờ tan tầm là những đống hàng bày trên bao tải lại thi nhau xuất hiện. Hàng hóa thì đủ cả từ quần áo, giày dép, dây lưng, túi xách, mũ bảo hiểm, đồng hồ... Và gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những đống đồ dùng gia dụng cũ như: bàn là, đèn pin, điện thoại, nồi lẩu. Có nơi bán đồ cũ. Có nơi bán đồ mới. Có nơi lại bán lẫn lộn cả đồ cũ lẫn mới. Nhưng sự xuất hiện của những loại giày dép, quần áo nhãn hiệu thời trang thì chẳng ai tin đó là đồ hàng thùng cả.
Đồ bày bán trên vỉa hè tại đường Đê La Thành. Ảnh: Long Hải |
Mua, không hỏi nhiều
Khoảng 8 giờ tối, trời không mưa, trên đoạn đường Đê La Thành gần ngã tư Giảng Võ, cảnh mua bán hàng đông vui như họp chợ. Hàng hóa được bày la liệt trên miếng bạt to trải ngay trên nền đường. Hàng bày trên đường, nên người ta cũng đỗ xe ngay lòng đường để dừng lại xem. Mặt hàng được bày nhiều nhất là giày nam, đủ loại từ giày thể thao, giày lười cho đến giày da vẫn còn mới. Giá cả ở đây rất tầm tầm, nên rất nhiều người hy vọng tìm được món hàng chất lượng với giá rẻ. Trong đám người đang xem có hai sinh viên miệt mài tìm kiếm có vẻ như rất muốn mua được hàng. Khi được hỏi thì một em hồ hởi khoe: “Tối qua em vừa mua đôi giày da giá 150.000đ. Về nhà giở ra xem kỹ lại thì đó là một đôi giày Ý xịn còn nguyên tem mác. Thật không tin mình lại hên như thế. Hôm nay em đưa bạn em đi chọn, hy vọng chúng em lại gặp may tìm được đồ tốt”.
Sau khi chọn được một đôi giày mùa hè khá ưng ý với giá 70.000đ, tôi hỏi cô bán hàng là hàng này ở đâu ra, cô bán hàng nói ngay: “Chị đã chấp nhận đi mua hàng vỉa hè thì đừng hỏi nguồn gốc, cứ mua được thì đó là của mình rồi.” Thấy tôi chọn hàng vỉa hè lần đầu còn khờ khạo, một thanh niên đứng cạnh tỏ ra kinh nghiệm hơn nói nhỏ với tôi: “ Toàn là hàng ăn cắp thì mới có chuyện bày bán cũ mới lộn xộn như thế chứ. Chị đã định mua hàng thì đừng hỏi ở đâu ra, người bán họ không thích đâu.” Tôi chợt giật mình, hàng ăn trộm thì ở đâu ra mà nhiều thế nhỉ. Không thiếu một thứ gì. Có những chiếc áo mùa đông mới tinh còn nguyên tem mác, những bộ đồ thể thao rất model lại có cả những đôi giày ngoại mà nếu mua mới là cả triệu đồng, rồi thì bao nhiêu thứ đồ gia dụng nữa...
Khổ vì mua hàng
Lần hỏi mãi tôi cũng biết được xuất xứ của những món hàng kia. Này nhé giày dép thì của những đứa đánh giày lợi dụng lúc đông người lấy giày của khách đi bán. Quần áo, mũ bảo hiểm thì là đồ lấy trộm trong ký túc xá, khu nhà trọ, bãi gửi xe, thậm chí là cả siêu thị, các shop lớn... Có nhiều chủ hàng còn đặt hàng bọn trộm những mặt hàng bán chạy, đặc biệt là các loại giày nam, nên mặt hàng này rất phong phú.
Tôi đến xem mũ của một cô bé ngồi chỗ khuất, trông nét mặt buồn buồn. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì sao cô lại ngồi ở chỗ tối thế này, cô bé than thở: “Em muốn ngồi đây để tránh một bọn chừng chục tên cứ thấy khách xem đông là kéo đến đứng xung quanh rình móc túi, vặt đồ xe, ăn cắp mũ bảo hiểm, thậm chí lấy trộm cả đồ của chúng em chuyển cho hàng khác. Có bữa người bị mất đánh nhau với bọn chúng ầm ĩ cả góc đường này”.
Tôi nhìn xuống đôi giày mình vừa mua được và băn khoăn khi nghĩ khi mua nó vô tình đã tiếp tay cho việc ăn cắp vặt thêm đất sống.
Hạ Lan