Đáng ngại, một số chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người.
Trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh mua bán tấp nập tại các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống ngay ở chợ dân sinh, hoặc các chợ cóc trên đường phố.
Buôn bán, giết mổ ngay trên đường phố
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có đầu gia súc, gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước với số lượng đàn trâu bò 170 ngàn con, đàn lợn 1,7 triệu con, đàn gia cầm 31,5 triệu con. Tuy nhiên phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (trên 60%). Vì vậy cũng kéo theo hệ lụy với nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác ở các địa phương.
Giết mổ gia cầm tại các khu chợ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như: chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); chợ Vồ, chợ Hà Đông (quận Hà Đông); chợ Phương Trung (huyện Thanh Oai)... Các hộ buôn bán gia cầm (gà, vịt, chim bồ câu, chim cút…) thường tập trung khoảng 4-5 hay hàng chục hộ buôn bán gia cầm sống và giết mổ ngay tại chợ cho khách hàng.
Một tiểu thương tại chợ cho biết, trung bình mỗi ngày bán khoảng 10-20 con gia cầm sống và hầu như khách hàng đều nhờ giết mổ, làm sạch. Không chỉ giết mổ gia cầm sống cho khách tới mua tại cửa hàng, các tiểu thương cũng nhận mổ thuê gia cầm với giá 10.000 đồng/con gà, 20.000 đồng/con vịt, ngan.
Hầu hết các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm ngay trên nền chợ, sau đó, lông gà, vịt được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác tại chợ... Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh.
Điều đáng nói là người tiêu dùng cũng vô tình tiếp tay cho việc tiêu thụ thực phẩm không đảm ảo an toàn này, bởi vẫn giữ thói quen sử dụng gia cầm giết mổ sống vì cho rằng, thịt như vậy mới tươi, ngon.
Không chỉ đối với gia cầm nuôi, gia cầm hoang dã do người dân săn bắt ở rừng hoặc nhập từ Trung Quốc về cũng được bày bán tại nhiều địa phương.
Tại Bắc Hà (Lào Cai), nhiều loài động vật hoang dã bị cấm săn bắt cũng bị người dân bẫy, bắt được rao bán, trong đó có các loài như sóc, dúi, gà rừng, diều hâu và nhiều loài chim quý hiếm: chim được bán với giá rất cao, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một con. Tại đây có cả chim họa mi được buôn từ Trung Quốc về.
Không thể làm ngơ
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thông Hà Nội, nguyên nhân của việc chưa kiểm soát được hoạt động giết mổ gia cầm sống kể trên do sự vào cuộc của cấp chính quyền địa phương cơ sở chưa quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ; thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, mất an toàn thực phẩm.
Việc thực hiện quy hoạch giết mổ tại một số địa phương còn nhiều vướng mắc. Đối với các điểm giết mổ đã được quy hoạch, chính quyền địa phương chưa kêu gọi hoặc thu hút được các nhà đầu tư, không bố trí được quỹ đất xây dựng, vốn đầu tư, gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai dự án gặp nhiều phức tạp. Bên cạnh đó các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả.
Trong khi chính quyền địa phương chưa xử lý mạnh tay tình trạng giết mổ tự do ở chợ dân sinh, khả năng dịch cúm gia cầm xuất hiện và lây lan rất lớn...