Hà Nội

Mua bán các loại chim hoang dã để phóng sinh có thể làm mất cân bằng hệ sinh thái

30-08-2023 12:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc phóng sinh là rất tốt, tuy nhiên lợi dụng việc này nhiều người thường tổ chức săn bắt, bẫy chim hàng loạt. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong đó có các loài chim. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tuy nhiên tình trạng săn bắt, nuôi nhốt trái phép vẫn diễn ra dẫn đến tình trạng chim hoang dã bị suy giảm đáng kể.

Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tình trạng săn bắt các loài chim hoang dã ngày càng nghiêm trọng. Ngoài việc săn bắt chim hoang dã bán cho các nhà hàng hoặc nuôi làm cảnh, việc săn bắt phục vụ cho hoạt động phóng sinh theo tín ngưỡng Phật giáo đang trở nên phổ biến.

Ngăn ngừa tình trạng mua, bán các loại chim hoang dã để phóng sinh  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tiêu hủy dụng cụ bẫy chim trời. Ảnh VD

Những hoạt động săn bắt chim hoang dã sẽ làm tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Các hành vi này vi phạm quy định pháp Luật về bảo tồn đa dạng sinh học, vi phạm các quy định của pháp luật.

Mới đây, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện tuyên truyền để thay đổi nhận thức của Phật tử về phóng sinh, tuyệt đối không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hoạt động tiếp tay cho các hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép.

Ngoài ra, đề nghị không cho phép các người dân vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh. Khi phát hiện mua bán chim hoang dã liên hệ số điện thoại đường dây nóng (08.4477.3030) để phối hợp tiếp nhận, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã nhận được văn bản từ Sở NN&PTNT và cũng chưa có ý kiến liên quan. Lâu nay, việc phóng sinh do người dân thực hiện và cũng không có sự áp đặt.

Chị Nguyễn Thị Sang (trú thị xã Hương Thuỷ) chia sẻ, trước đây vào hai ngày rằm tháng bảy và tháng giêng chị thường thắp hương và mua chim về phóng sinh.

Năm ngoái, chị mua về 20 con để phóng sinh, trong số đó bị chết nhiều con. Khi thả ra, do chim bị nuôi nhốt nhiều ngày không bay được nên bị một số xe tải chạy qua cán chết trước mắt làm chị ám ảnh. Chị Sang tự hứa với bản thân không bao giờ mua chim để phóng sinh nữa.

Ngăn ngừa tình trạng mua, bán các loại chim hoang dã để phóng sinh  - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm đến chùa tuyên truyền không mua bán chim hoang dã để phóng sinh.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, những ngày qua, lực lượng kiểm lâm đã triển khai lực lượng đến các chùa trên địa bàn toàn tỉnh để tuyên truyền, kêu gọi cũng như khuyến cáo Phật tử không mua bán các loài chim hoang dã để phóng sinh.

"Việc tuyên truyền này nhằm ngăn ngừa, hạn chế việc đặt hàng, bẫy chim hàng loạt đem bán phục vụ phóng sinh, góp phần bảo vệ các loài chim hoang dã, đảm bảo hệ sinh thái", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, việc phóng sinh là rất tốt, nhưng cứ khoảng 100 con chim được phóng sinh thì có khoảng 40 con chết do dịch bệnh và bị nhốt quá lâu. Trong khi đó, những con sống được thì dễ bị bắt lại. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm đang tiến hành kiểm tra các cơ sở nhà hàng, khi phát hiện tình trạng nuôi, nhốt kinh doanh chim trời sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Tuyên truyền người dân không săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã...

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh "đội sổ’ trong xử lý thông tin bảo vệ động vật hoang dãHà Nội và TP Hồ Chí Minh 'đội sổ’ trong xử lý thông tin bảo vệ động vật hoang dã

SKĐS - Dù ghi nhận số lượng vụ việc về động vật hoang dã nhiều nhất trên cả nước nhưng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại là các địa phương xử lý thông tin kém nhất.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo: Liên tiếp các bệnh nhân nguy kịch, tử vong vì nhiễm liên cầu lợn 



Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn