Hà Nội

Mưa ẩm kéo dài, chị em cần biết mẹo vệ sinh ‘vùng kín’

05-08-2023 13:50 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Vào mùa mưa, thời tiết ẩm làm tăng nguy cơ các vi sinh vật gây bệnh và phát triển, do đó chị em cần chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng bệnh.

Nhiều người cho rằng bộ phận sinh dục chỉ là một bộ phận của cơ thể và chỉ cần được giữ sạch sẽ như một phần của chế độ vệ sinh bình thường và không cần quan tâm đặc biệt gì.

Tuy nhiên, đây là một khu vực nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên chị em cần biết giữ vệ sinh vùng kín đúng cách. Điều này có nghĩa là phụ nữ nên tuân theo các mẹo vệ sinh cụ thể cho khu vực này, hàng ngày hoặc vào những ngày cụ thể của chu kỳ, nhưng hãy cẩn thận để không bị ám ảnh hoặc "làm sạch quá mức" vì việc làm sạch quá mức và sai cách cũng gây hại.

1. Chỉ làm sạch bên ngoài

Một cách để làm sạch phần bên ngoài của bộ phận sinh dục (âm hộ) là dùng nước ấm sạch và sản phẩm có độ PH trung tính (không có chất tạo màu, nước hoa,...) trong khi tắm hoặc rửa vùng kín. 

Không cần thiết và không nên làm sạch bên trong bộ phận sinh dục (âm đạo) vì âm đạo có chức năng tự làm sạch do các thành phần của âm đạo tạo ra chất dịch làm sạch (dịch tiết âm đạo) mang các tế bào chết và các vi sinh vật khác ra khỏi cơ thể. Việc thụt rửa sâu vào âm đạo không được khuyến khích, trừ khi được bác sĩ tư vấn trong một số trường hợp đặc biệt.

2. Không lạm dụng dung dịch vệ sinh

Mẹo vệ sinh ‘vùng kín’ mọi phụ nữ cần biết - Ảnh 2.

Chị em nên chọn dung dịch vệ sinh có độ pH an toàn với vùng da nhạy cảm.

Mặc dù xà phòng thường có độ pH cao hơn và chứa hương liệu có thể làm khô hoặc thậm chí gây kích ứng cho vùng da nhạy cảm nhưng dung dịch vệ sinh phụ nữ không hẳn là lựa chọn thay thế an toàn hơn. Đảm bảo sử dụng đúng sản phẩm vệ sinh vùng kín phụ nữ vì một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có mùi hương có thể gây dị ứng hoặc kích ứng vùng âm hộ, âm đạo.

Trong điều kiện bình thường, chỉ nên rửa vùng kín với dung dịch vệ sinh duy nhất 1 lần trong ngày. Dùng tay rửa nhẹ nhàng và tráng lại với nước sạch. Rửa quá nhiều có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da khiến da dễ bị kích ứng và nhiễm trùng.

3. Chọn đồ lót chất liệu an toàn

Một mẹo vệ sinh phụ nữ rất quan trọng khác là ngoài việc rửa sạch, việc bảo vệ cũng rất cần thiết. Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Vi khuẩn kỵ khí tồn tại trong âm đạo khi gặp môi trường thuận lợi sẽ phát triển, ví dụ như mặc quần áo quá chật, quá bí trong một thời gian dài.

Do đó lựa chọn chất liệu đồ lót là rất quan trọng giúp "vùng kín" luôn khô thoáng. Nên mặc đồ lót làm từ sợi tự nhiên. Quần lót nên được thay giặt ít nhất 1 lần 1 ngày. Sau khi được giặt sạch, nên phơi đồ lót ngoài ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô trước khi mặc. Những ngày mưa ẩm kéo dài, nên sấy khô hoặc là khô quần lót. Mặc quần áo bó sát có thể cản trở việc vệ sinh vùng kín. Cố gắng tránh mặc quần áo tập luyện chật chội và thay vào đó hãy chọn quần áo thông thoáng.

4. Vệ sinh kinh nguyệt thật tốt

Mẹo vệ sinh ‘vùng kín’ mọi phụ nữ cần biết - Ảnh 4.

Không nên sử dụng các sản phẩm làm thay đổi độ pH âm đạo.

Da ở vùng âm hộ thường nhạy cảm hơn các vùng khác trên cơ thể, đặc biệt là vào chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, trong những ngày có kinh, chị em nên giữ sạch sẽ vùng sinh dục. Nhẹ nhàng làm sạch bằng nước ấm. Tránh sử dụng các sản phẩm có thể làm thay đổi mức độ pH âm đạo.

PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Sinh sản Giới tính Việt Nam cho biết, môi trường có máu là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong kỳ kinh nguyệt, nếu không vệ sinh đúng cách có thể gây ứ trệ máu kinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây một số viêm nhiễm.

TS. BS. Lưu Thị Hồng lưu ý:
Chị em cần phải đảm bảo thời gian thay băng vệ sinh tối đa là từ 4-6 giờ/lần. Đối với những ngày máu kinh ra nhiều thì cần thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ. Trước và sau khi thay băng vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.

5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu âm hộ hoặc da vùng kín nhạy cảm khi chạm vào đỏ, sưng và ngứa, có thể do kích ứng vùng kín và cần tới gặp bác sĩ. Giải pháp có thể đơn giản như thay đổi dung dịch vệ sinh mà bạn sử dụng và duy trì chế độ chăm sóc bản thân tốt, nhưng tốt nhất là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và cách điều trị thích hợp.

ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy cho biết thêm: Khi có bất cứ biểu hiện nào khác thường như mùi âm đạo hôi, tanh kèm theo khí hư ra quá nhiều, có màu vàng, màu xanh hoặc màu hồng nhạt, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.

‘Vùng kín’ tiết dịch - Khi nào là bất thường?‘Vùng kín’ tiết dịch - Khi nào là bất thường?

SKĐS - Dịch âm đạo là hiện tượng bình thường của phụ nữ, có chức năng làm sạch và bảo vệ âm đạo, nhưng đôi khi dịch âm đạo bất thường có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Xem thêm video đang được quan tâm

Giải mã những thắc mắc về lần đầu quan hệ tình dục.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn