Mù màu vì hôn nhân cận huyết

23-06-2015 09:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá...

Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... làm suy giảm chất lượng dân số, giống nòi và là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Khi mắc bệnh mù màu, người bệnh không có khả năng phân biệt các màu sắc với nhau. Tùy theo mức độ nhẹ (khuyết sắc) thì thường không phân biệt được màu xanh lục và màu đỏ, xanh da trời và màu vàng. Nếu mức độ nặng là hoàn toàn không phân biệt được giữa các màu với nhau. Việc thiếu hụt màu sắc phổ biến nhất là không có khả năng để xem một số sắc thái của màu đỏ và màu xanh lá cây. Bệnh do rất nhiều nguyên nhân tuy nhiên đa số các bệnh nhân có tính di truyền liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính. Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt cần để phân biệt màu sắc. Gen này là “gen lặn”, người con trai nào nhận ở mẹ loại gen này thì không thể phân biệt được màu sắc, vì nhiễm sắc thể Y không có gen màu sắc trội để lấn át gen mù màu. Nam giới mắc chứng bệnh này có tỷ lệ cao hơn nhiều so với nữ. Vì mù màu có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nên việc phát hiện sớm là rất quan trọng. Ở trẻ em, mù màu có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và sự phát triển khả năng đọc. Bệnh mù màu có thể hạn chế việc lựa chọn nghề nghiệp sau này đặc biệt là các nghề liện quan đến màu sắc trong khi hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ nên cho trẻ khám mắt tổng quát tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám chẩn đoán chính xác, tìm ra nguyên nhân và tư vấn cho sinh hoạt hằng ngày. Độ tuổi thích hợp là trước khi đi học, tốt nhất là trong độ tuổi từ 3 và 4 để được phát hiện sớm nếu trẻ bị mù màu, để có thể can thiệp sớm, giúp tăng khả năng điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để ngăn ngừa, hạn chế tốt nhất những bệnh gien lặn do hôn nhân cận huyết gây ra, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc các chính sách về dân số cũng như các quy định của Nhà nước về việc không nên kết hôn cận huyết, ít nhất là phải cách 3 đời. Ngoài ra cần phải huy động sức mạnh của hệ thống chính trị ở các địa phương đang phổ biến tình trạng này để tuyên truyền cho người dân hiểu biết và tiến tới bỏ hẳn tập tục kết hôn cận huyết thống. Ngoài ra, để hạn chế bệnh tật, cần chú trọng trong việc tư vấn di truyền nhằm tránh kết hôn giữa 2 người cùng mang gien bệnh và chẩn đoán trước sinh nhằm loại bỏ những bào thai mang bệnh thể nặng.

Mời các bạn xem bài sau: Bạch tạng vì hôn nhân cận huyết

vào ngày 24/6/2015

 

 

 


Ý kiến của bạn