Mù mắt vì đục thủy tinh thể

04-09-2015 15:06 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung Ương, hiện cả nước có khoảng 250 ngàn người mù cả hai mắt do đục thủy tinh thể.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung Ương, hiện cả nước có khoảng 250 ngàn người mù cả hai mắt do đục thủy tinh thể (ĐTTT). Còn tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Trung tâm Mắt, hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 10.000 người mù, trong đó nguyên nhân do ĐTTT chiếm khoảng 60% và mỗi năm có khoảng 100 ca biến chứng do ĐTTT quá chín. Bệnh ĐTTT có thể gây mù vĩnh viễn, tuy nhiên đa số người dân còn thiếu kiến thức về phòng ngừa cũng như điều trị căn bệnh này.

Đa số đến viện muộn

Bác Đặng Xuân Triển, 66 tuổi, quê ở Tổ 7, Thị trấn Cẩm Xuyên được nhìn thấy ánh sáng sau 4 năm cho biết: cách đây 4 năm bác thấy quáng gà, nhìn một vật thành hai hoặc ba, đặc biệt cả hai mắt bác mờ dần đi và hầu như không thấy mọi vật xung quanh, lúc đó bác cứ nghĩ là do bệnh của tuổi già nên không đi khám. 4 năm nay bác phải sống trong cảnh mù lòa, vợ mất, trong nhà lại có 2 người con bị tâm thần. Khi nhận được thông tin, cán bộ của Trung tâm Mắt đã vào khám và phát hiện mắt bác bị ĐTTT cần phẫu thuật gấp, sau đó bác được bác sĩ tư vấn và đưa vào Trung tâm Mắt phẫu thuật miễn phí hoàn toàn. Sau một ngày phẫu thuật mắt, bác Triển đã trở về nhà với đôi mắt sáng, có thể quay trở lại với nghề thợ mộc kiếm tiền nuôi 2 con bị tâm thần.

Không may mắn như bác Triển, bà Nguyễn Thị Sây, 84 tuổi, ở xã Thạch Hải, Thạch Hà vào Trung tâm mắt trong tình trạng đau đầu, đau hóc mắt, buồn nôn. Qua thăm khám bác sĩ cho biết mắt phải của bà bị ĐTTT quá chín nên biến chứng tăng nhãn áp, uống thuốc không có tác dụng nên phải phẫu thuật để cắt cơn đau, còn thị lực thì không thể phục hồi do bệnh đã nặng. Người nhà của bệnh nhân Sây cho hay: "trong một lần điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ đã phát hiện mắt phải của bà bị mờ là do ĐTTT và khuyên đi phẫu thuật để phục hồi thị lực nhưng chúng tôi nghỉ tuổi bà đã già, mắt trái vẫn còn nhìn thấy nên không điều trị, sau đó không lâu bà bị đau đầu không ăn, không ngủ được nên người nhà đưa bà đến đây để điều trị, sau phẫu thuật bà được ăn ngủ ngon, các dấu hiệu đau không còn nữa, tuy nhiên thị lực của bà thì không phục hồi được do để quá muộn".

Theo Bác sĩ Dương Kim Dũng, Giám đốc Trung tâm Mắt: Bệnh ĐTTT là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện nay, trên toàn tỉnh số người mù trên 50 tuổi còn tồn động do ĐTTT còn cao, ước khoảng gần 6.000 người, số trường hợp mắc mới mỗi năm khoảng 1.300 người, như vậy mỗi năm Hà Tĩnh có khoảng 7.000 trường hợp ĐTTT cần được mổ. Tuy nhiên, một số trường hợp chủ quan với bệnh ĐTTT, cho rằng thị lực giảm là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Mỗi năm có khoảng 100 ca biến chứng do ĐTTT quá chín đến điều trị tại Trung tâm, với những trường hợp này rất khó phục hồi thị lực, nhất là ở các trường hợp mà các dây thần kinh thị giác có thể đã bị phá hủy hoàn toàn, gây mù vĩnh viễn, hoặc nếu có điều trị được cũng gặp nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp chỉ giải quyết được cơn đau nhưng thị lực thì không phục hồi.

Phát hiện, điều trị sớm ĐTTT – Một giải pháp ngăn chặn mù lòa

Cũng theo bác sĩ Dũng: Bệnh ĐTTT diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức, nhìn một vật thành hai hoặc ba. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là những người tuổi trên 50(chiếm 80%), tuổi càng cao nguy cơ mắc càng lớn; bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, cận thị, chấn thương ở mắt, đục thủy tinh thể sau bệnh lý khác của mắt: glaucome (cườm nước), viêm màng bồ đào, tổn thương võng mạc... đục thủy tinh thể bẩm sinh. Cách phòng và điều trị: Trong giai đoạn sớm, khi sự sụt giảm thị lực chưa ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống thì người bệnh có thể đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng, hoặc thay đổi độ kính. Nhưng các biện pháp trên chỉ là tạm thời. Khi mắt mờ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần phải phẫu thuật thay thủy tinh thể. Mọi người cần thực hiện chế độ đinh dưỡng hợp lý như; không hút thuốc lá, ăn nhiều đậu lăng, hành, tỏi, bắp cải, giá, đậu và hạt tươi; phát hiện và điều trị suy giáp, đái tháo đường, rối loạn nước và điện giải, tăng cholesterol và triglycerid máu; không tiếp xúc trực tiếp với tia UV; nếu làm việc trong phòng có máy lạnh, phải dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, trong khi đó, hiện nay, bệnh nhân ĐTTT ngày càng nhiều, sự hiểu biết về căn bệnh này đang còn rất hạn chế, vì vậy, Ngành Y tế đang tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về bệnh ĐTTT, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân cần phải chủ động chăm sóc và bảo vệ mắt của mình, nhất là với người cao tuổi. Nếu có các triệu chứng nói trên thì cần đến cơ sở y tế để khám và có phương pháp điều trị thích hợp. Tránh tình trạng để quá muộn sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Thanh Loan TTTTG Hà Tĩnh

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: