Ngay từ khi mới ra đời, năng lực nhận biết khuôn mặt của con người đã xuất hiện. Năng lực này được hình thành trong quá trình tiến hóa – yếu tố cho phép tổ tiên của loài người phân biệt bạn bè, người thân với kẻ thù. Thế nhưng trên thực tế, không ít người trong chúng ta không hề có khả năng này.
Ai cũng thành người xa lạ!
Đi chung với chồng vào trong siêu thị, Hether Seller thân mật choàng vai người đàn ông bên cạnh và âu yếm hỏi: “Tối nay mình ăn thịt gà hay thịt bò, anh?”. Thay vì câu trả lời, cô nhận được một cái nhìn hoảng loạn: “Anh ta nhìn thẳng vào tôi, ánh mắt hết sức giận dữ!”. Dĩ nhiên, đó không phải là chồng cô, mà là một người hoàn toàn xa lạ!... Phải sau một thời gian dài sống trong hoài nghi, lo sợ khủng khiếp bởi chứng hay nhận nhầm người và luôn nhìn tất cả bạn bè, chồng con như người xa lạ, Hether Seller, 42 tuổi, giáo sư Anh văn Trường trung học Hope ở Holland, Michigan cuối cùng mới biết được mình mắc chứng bệnh prosopagnosia, thường được gọi là bệnh mù mặt (face blindness). “Lúc còn nhỏ, tôi không nhận ra bạn bè trong lớp và thường kinh ngạc vì sao họ tốt với mình đến như vậy”. Sau này, khi vào trường đại học, Hether thường gọi sai tên bạn bè. “Tôi đi xem phim và không thể nhận ra diễn viên đóng vai chính nếu anh ta thay đổi quần áo khác”.
Hình ảnh mô phỏng rối loạn chức năng não dẫn đến bệnh mù mặt. |
Sự thực là Hether không có khả năng nhận diện người khác qua khuôn mặt, không bao giờ nhớ được khuôn mặt người cô vừa được giới thiệu, cho dù có nói chuyện với họ hàng giờ. Cô mắc bệnh này từ lúc sơ sinh. “Đối với tôi, tất cả những khuôn mặt đều là mặt người, với những điểm rất chung. Chúng không có gì đặc sắc để phân biệt. Mỗi khuôn mặt có thể nhỏ hay lớn, già hay trẻ, nhưng tất cả đều giống nhau”. Cô có thể rất dễ dàng nhắc lại tên người hay số điện thoại được cho, nhưng chỉ rõ họ là ai trong tập ảnh chụp nhiều người thì lại hoàn toàn bất lực. Chứng bệnh này đã khiến cho Hether vô cùng khổ sở. Chồng cô kể lại: Tôi đi làm về nhà và nhấn chuông vì không mang theo chìa khóa. Hether bước ra cửa, kinh ngạc nhìn tôi và hỏi: “Tôi có thể giúp được gì cho ông?”. Ngay bản thân cô cũng phàn nàn rằng cô bị mất rất nhiều bạn bè vì họ không chịu nổi khi cô không nhận ra họ trên đường phố hay tại các buổi tiệc.
Cũng mắc bệnh mù mặt nhưng mãi đến tuổi trưởng thành, chuyên gia nghiên cứu về tinh tinh, tiến sĩ Jane Goodall mới phát hiện ra triệu chứng này của bản thân. Suốt hàng chục năm bà vẫn tin rằng mình không nhớ nổi mặt những người đã gặp chỉ vì đãng trí. Cho đến khi bà chợt nhận ra mình không thể nào nhớ lại gương mặt một nhân vật mới gặp ngày hôm qua cho dù đã nát óc suy nghĩ thì mới thực sự lo lắng. Vì lý do khó nhận được mặt người, bà đã chọn công việc tiếp xúc nhiều với thú vật “mỗi cuộc tiếp xúc với con người mà bản thân không thể nhận được mặt họ đối với tôi là một stress rất khó vượt qua” – chuyên gia nghiên cứu loài linh trưởng nổi tiếng này thú nhận. Trong cuốn sách Người đàn ông nhầm vợ mình với cái mũ phớt xuất bản năm 2005, bác sĩ tâm lý trị liệu Mỹ Oliver Sacks đã mô tả khá nhiều trường hợp mắc bệnh mù mặt như cô Hether và bà Goodall. Trong số những bệnh nhân của ông còn có người bệnh nặng đến nỗi không nhận ra những ngón chân của chính mình, thậm chí không phân biệt được đồ vật với con người.
Nguyên nhân do đâu?
Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, hiện tượng mù gương mặt đã được hai thi sĩ Seneka và Tukidydes nhắc đến. Những nhân vật chính trong các bản trường ca của họ gặp khó khăn trong việc nhận biết người thân sau khi bị chấn thương sọ não vì chinh chiến. Thế nhưng mãi đến năm 1947, lần đầu tiên các triệu chứng cụ thể của hội chứng mù gương mặt mới được nhà thần kinh học người Đức, bác sĩ Joachim Bodamer mô tả chi tiết. Và chỉ vài năm trở lại đây, khoa học mới xem chứng mù mặt là một vấn đề y học. Trước đó, nhiều bác sĩ không hề biết đến nó. Prosopagnosia không được dạy cho các sinh viên tất cả các trường y.
Theo bác sĩ Joachim, đây là tình trạng rối loạn chức năng của trung tâm thu nhận, phân tích - tổng hợp tín hiệu trong não bộ, khiến cho khả năng nhận biết và ghi nhớ khuôn mặt của não bộ bị hư hỏng. Bản thân những nạn nhân của chứng mù mặt không hề có khuyết tật thị giác, khả năng ghi nhớ của họ cũng rất tốt. Họ có thể phân biệt được những bộ phận chi tiết của gương mặt, chỉ đến công đoạn ghép những chi tiết đó lại thì xảy ra sự mắc lỗi, dẫn đến tất cả đều biến thành một mảng nhọ có màu sắc!
Cho đến cách đây không lâu, người ta vẫn tin rằng hội chứng này rất hiếm khi xuất hiện và chấn thương sọ não là thủ phạm duy nhất. Thế nhưng theo kết quả nghiên cứu mới nhất về chứng bệnh này đăng trên tạp chí The American Journal of Medical Genetics thì trung bình cứ 50 người có 1 người là nạn nhân của hội chứng mù mặt và đây là một căn bệnh bẩm sinh hay một dạng rối loạn phát triển. Tác giả của nghiên cứu này còn rút ra kết luận rằng, bệnh có khả năng di truyền. Thực tế cho thấy, những nạn nhân của hội chứng thường có tối thiểu một người thân cũng mắc bệnh này. Chứng cứ là sự biến đổi trong một gen đơn lẻ. Phiên bản biến thể gen mạnh tới mức, nếu chỉ bố hoặc mẹ là nạn nhân của chứng mù mặt, xác suất con mắc bệnh lên tới 50%.
Từng tiến hành công trình nghiên cứu với 689 sinh viên chọn ngẫu nhiên, giáo sư Thomas Grunter Trường đại học Munster Đức cũng nhận thấy có đến 2,47% mắc phải bệnh này. Theo ông trên thực tế con số đó còn lớn hơn nhiều bởi không ít trường hợp bệnh nhân không gõ cửa bác sĩ, bởi bản thân không ý thức được rằng mình có bệnh. Một số người khác lại cố gắng che giấu bệnh. Chính giáo sư Grunter cũng thuộc số này - ông đóng kịch hoàn hảo tới mức mãi sau 20 năm hôn nhân vợ ông mới phát hiện ra sự thật là chồng mình không có khả năng nhận biết khuôn mặt vợ!
Làm thế nào để sống chung với bệnh?
Chúng ta nhận biết khuôn mặt người khác bằng cách nào? Đối với số đông, đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, vì “cứ nhìn, sẽ nhận biết”. Nhưng đối với những người bị chứng prosopagnosia thì lại khác. Họ cố gắng phân biệt người với người bằng cách ghi nhớ hình thái tạo dáng, mái tóc, trang phục hoặc giọng nói. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân của GS.Gunter đã bị “sập bẫy” khi rơi vào đơn vị bộ đội, nơi mọi người đều ăn mặc như nhau. Tại công sở, bệnh nhân mù mặt thường liên tưởng họ tên đồng nghiệp với vị trí làm việc. Họ nhận biết người quen và vợ (chồng) họ bằng cách quan sát cách thức ứng xử. Cách đối phó này khá hiệu quả, giúp cho căn bệnh không bị phát hiện, thậm chí cả người bị bệnh cũng không biết mình có bệnh, vì họ tưởng ai cũng làm giống mình để nhớ nhân dạng người khác. Đây cũng là cách duy nhất giúp những người mắc bệnh vượt qua khuyết tật mà đến nay vẫn chưa có cách chữa trị nào thay thế này!
Thông thường, nạn nhân của hội chứng mù mặt tránh xuất hiện ở những địa điểm có thể gặp gỡ những người quen, hay làm ra vẻ đang bận suy tư giữa đám đông. Họ cũng hiếm khi xem tivi, cũng không đến rạp hát bởi không phân biệt được mặt mũi nhân vật, không hiểu ngôn ngữ cử chỉ nét mặt. Trường hợp bị lật tẩy do không nhận ra người quen, họ sẽ minh oan rằng, đang bị đau đầu, đang mải suy nghĩ hoặc mắt kém không nhìn thấy... Hiện khoa học đang vận dụng kỹ thuật lập bản đồ não và chụp ảnh não để nghiên cứu về chứng bệnh mới mẻ và bí ẩn này. Kết luận cuối cùng vẫn chưa được đưa ra!
Quỳnh Trang (Theo www.faceblind.org)