Tại Việt Nam, năm nay đánh dấu hành trình 10 năm chương trình Quản lý kháng sinh được MSD triển khai, minh chứng cho nỗ lực bền bỉ hợp tác giải quyết vấn đề này.
Gia tăng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Với dân số gần 99 triệu người, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh đáng báo động ở Châu Á và trong những năm gần đây đã phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng. Thống kê tính đến ngày 21/11/2020 cho thấy tỉ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn lên tới 91% ở khu vực nông thôn, 88% ở khu vực thành thị.
Hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với sự gia tăng các chủng vi khuẩn đa kháng, kháng với nhiều loại kháng sinh, đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 và nhóm aminosid và fluoroquinolon. Trong Hội thảo "Kháng kháng sinh: cơ hội và thách thức" diễn ra tại Hà Nội ngày 20 tháng 9 do Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) phối hợp cùng MSD Việt Nam tổ chức, các diễn giả cho biết ngoài gánh nặng tài chính do điều trị kéo dài, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với phẫu thuật và cấy ghép mô.
Kháng kháng sinh là một vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu và không thể giải quyết được nếu không có hợp tác chặt chẽ đa ngành. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cách tiếp cận Một Sức Khỏe (hay còn gọi là "One Health" gồm sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường) và nhấn mạnh thông điệp này trong tuần lễ Nhận thức về Kháng kháng sinh toàn cầu từ ngày 18 đến 24 tháng 11 năm nay. WHO kêu gọi phối hợp hành động liên ngành nhằm làm chậm việc gia tăng và lan rộng của kháng kháng sinh để các kháng sinh hiện có vẫn phát huy hiệu quả lâu nhất có thể.
Hợp tác công – tư nhằm giải quyết "đại dịch thầm lặng"
Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong khu vực khi từ năm 2013, Bộ Y tế đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra Chương trình hành động quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh nhằm kêu gọi sự hợp tác trong các lĩnh vực y tế, chăn nuôi thủy hải sản và thú y cùng hành động để sử dụng kháng sinh hợp lý và dần cải thiện tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh. Để quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả, đặc biệt các tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng đòi hỏi cần nhiều nguồn lực và sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều bên. Hợp tác công – tư trong quản lý sử dụng kháng sinh, vì thế, được xem là cách hiệu quả để chung tay quản lý và giảm thiểu sự gia tăng đề kháng kháng sinh trong y tế cũng như chăn nuôi.
Từ năm 2012, MSD đã triển khai chương trình Quản lý kháng sinh tại bệnh viện Chợ Rẫy, cho thấy mức độ tuân thủ sử dụng kháng sinh tăng 14,5% và lượng sử dụng kháng sinh giảm đáng kể, giảm 1,3% chi phí cho kháng sinh vào năm 2015 so với các năm trước. Năm 2020, hợp tác với Bộ Y tế, MSD đã mở rộng chương trình này ra 36 bệnh viện. Tới nay, sau hơn 10 năm triển khai, đã có hơn 46 bệnh viện tham gia vào chương trình.
Bên cạnh sự thiếu hợp lý trong sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăm sóc y tế, kháng sinh còn đang bị sử dụng không hợp lý, thiếu trách nhiệm trong chăn nuôi dẫn đến nhiều rủi ro như tạo ra vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường tự nhiên, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gián tiếp khiến cho các vi khuẩn phơi nhiễm với kháng sinh từ rất sớm và hình thành sự đề kháng kháng sinh.
Vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện ngay trong môi trường tự nhiên khiến việc chữa bệnh cho vật nuôi trở nên khó khăn, thậm chí tồn dư kháng sinh gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Với định hướng Một Sức Khỏe, MSD đã mở rộng chương trình Quản lý kháng sinh đến cả các bệnh viện ở tuyến cơ sở, kết hợp với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ đề kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh hợp lý. MSD Việt Nam còn hợp tác với IEHSD tổ chức các hội thảo với sự tham gia của các cơ quan liên ngành trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp cũng như các hoạt động truyền thông giáo dục cho các công ty chuỗi thức ăn (công ty 3F: Feed-Farm-Food) nhằm kêu gọi chung tay hành động trong việc sử dụng kháng sinh hợp lý. Chuỗi hội thảo và các hoạt động truyền thông giáo dục thường xuyên có ý nghĩa quan trọng khi mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khoẻ cộng đồng.
Bà Jennifer Cox – Tổng Giám đốc MSD Việt Nam cho biết: "Kháng kháng sinh đang là thách thức y tế nghiêm trọng khiến những bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó điều trị hoặc không thể điều trị và làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, chi phí điều trị cũng như tử vong. MSD đã và đang phấn đấu không ngừng để tạo nên sự khác biệt cho người dân trong hơn 25 năm hoạt động tại Việt Nam thông qua những sáng kiến hợp tác công – tư nhằm giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe cấp thiết, bao gồm Quản lý sử dụng kháng sinh. Chúng tôi cam kết chung tay với các cơ quan ban ngành, bệnh viện và các tổ chức xã hội nhằm giải quyết vấn đề này bằng những chương trình có ý nghĩa thiết thực."
Bên cạnh đó, việc cam kết tiếp tục nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới là vô cùng cấp thiết khi ngày càng ít kháng sinh mới được tìm ra trên thế giới. Trên toàn cầu, MSD tự hào đầu tư 100 triệu USD trong 10 năm vào Quỹ Hành động AMR, dành riêng cho nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh, với mục tiêu là sẽ đưa hai đến bốn loại kháng sinh mới tới bệnh nhân và bác sĩ vào cuối thập kỷ này.
MSD đã duy trì cam kết nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh trong hơn 80 năm qua và đã đưa ra sớm hơn dự kiến các phương pháp điều trị mới qua mỗi thập kỷ. Ngoài ra, sự quan tâm và nỗ lưc từ Bộ Y tế là rất cần thiết trong việc rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các kháng sinh mới vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả để đảm bảo người bệnh trong những trường hợp nhiễm vi khuẩn đa kháng tại bệnh viện được điều trị và cứu sống kịp thời.