Bên cạnh cửa Tư Dung còn có một địa chỉ quý, đó là giếng Cam Lồ ở trước cửa chùa Phước Duyên. Xung quanh nước mặn, nước lợ là thế bỗng có chiếc giếng nước ngọt đầy ắp quanh năm, múc mấy cũng không vơi. Triều đình nhà Nguyễn tọa lạc ngay bên bờ sông Hương, vậy mà không ăn nước sông Hương. Ngày ngày vua cho thuyền về Cầu Hai lấy nước giếng Cam Lồ về cho hoàng cung dùng. Thế mới biết giếng này quý biết nhường nào.
Từ đầm Cầu Hai vượt qua Mũi Né là sang Chân Mây. Gió từ ngoài biển đưa mây vào đất liền gặp núi cao không thể vượt qua, quấn quýt với nhau ở đây tạo nên một cột mây dựng đứng như đỡ lấy trời xanh. Chân của cột mây đó thành tên đất Chân Mây như thế. Bãi biển Chân Mây đẹp đến nỗi chính nhà vua ăn chơi siêu phàm như Bảo Đại cũng đã tìm về đây xây một biệt thự nghỉ mát cho mình.
Điểm cuối của bãi biển Chân Mây về phía Nam kia là hòn Dòn. Hòn Dòn có một hang đá lớn. Thời chiến tranh, chúng tôi là những người lính bám trụ tại xã Lộc Tiến này. Chúng tôi đã ở hang đá ấy, đêm đêm về vận động quần chúng đứng lên cầm súng đánh giặc. Sau chiến tranh, Nhà nước đã phong danh hiệu Anh hùng cho xã Lộc Tiến, một xã thôi mà cũng có hai Anh hùng lực lượng vũ trang. Nhớ những ngày địch càn ác liệt, không về dân được. Ngày chúng tôi nấp trong hang Dòn, đêm ra câu cua ở những khe đá ven biển. Đợi tan trận càn lại về với dân, gian khổ và ác liệt nhưng vui biết bao. Hòn Dòn đã được công nhận là Di tích lịch sử của Thừa Thiên Huế.
Cái mới nhất trên đất Lộc Tiến này, mà mong ước bao lâu đã thành sự thật, là Chân Mây đã trở thành cảng Chân Mây. Trước khi chúng tôi về đây ít lâu, có hai tàu biển chở 3.000 du khách quốc tế đậu ở cảng để cho du khách lên thăm Huế. Vậy là Chân Mây đã trở thành cửa khẩu. Ngư dân ở đây đang nói tới một thành phố Chân Mây trong tương lai. Những khát vọng chắc chắn sẽ trở về.
![]() |
Vượt qua hòn Dòn là sang vịnh Lăng Cô, vịnh biển được UNESCO công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Vị thế và màu xanh bát ngát của nước biển ở đây đủ làm cho du khách mê hồn. Từ ngày được công nhận vịnh biển đẹp, các nhà nghỉ, khách sạn tới tấp được dựng lên. Vậy mà những ngày chủ nhật vẫn không đủ chỗ cho du khách dừng chân. Không kể Hà Nội, cả Sài Gòn nữa, các nhà đầu tư cũng đổ về Lăng Cô xây nhà nghỉ mát. Festival Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới ở Lăng Cô trong tháng 5 vừa rồi quả là một ngày hội tưng bừng. Không mấy nữa, Lăng Cô sẽ trở thành khu du lịch của những hẹn hò.
Phú Lộc không chỉ đẹp về biển mà còn đẹp về núi. Mấy chục cây số bờ biển đều nằm ngay bên chân núi. Ba ngọn núi cao nhất ở đây đã nổi tiếng từ lâu rồi. Dân Huế ai chẳng thuộc câu ca dao: “Núi Truồi ai đắp mà cao, sông Nong ai bới ai đào mà sâu”. Núi Truồi ở sâu trong đất liền hơn nên trong kháng chiến, núi Truồi là chiến khu của Phú Lộc. Năm 1975, ta tấn công Huế, lính Ngụy tháo chạy vào Đà Nẵng, bị quân ta từ núi Truồi ra chặn đường, chúng phải vứt cả xe cộ, súng đạn, áo quần chạy về Thuận An lên tàu vào Nam đó sao.
Tiếp bên núi Truồi là Bạch Mã. Chữ Bạch Mã gợi cho ta nhớ tới đám mây trắng trên đỉnh ngọn núi cao 1.450m kia như một con ngựa trắng đang cất cánh bay lên trời. Bạch Mã cao thế nên một ngày có ba mùa. Buổi sáng là mùa thu, buổi trưa là mùa hè, về tối là mùa đông. Nhiệt độ trung bình hằng ngày của Bạch Mã là 17 độ. Người Pháp khi còn đô hộ nước ta lên đây là mê ngay, cho xây dựng liền khu du lịch Bạch Mã. Và không ai khác, chính họ gọi Bạch Mã là Paris ở Việt Nam. Bạch Mã đã có đường ôtô lên tận đỉnh cao từ đấy. Khỏi nói, Bạch Mã được đầu tư xứng đáng, chắc chắn sẽ là một điểm đến của mơ ước rồi.
Nối tiếp Bạch Mã là Hải Vân. Hải Vân là ngọn núi kề sát ngay bên vịnh Lăng Cô. Núi dầm chân ngay trong nước vịnh. Xưa thời nhà Nguyễn đã cho xây Hải Vân Quan trên đỉnh đèo. Ngày nay, Hải Vân Quan đang còn đó. Hải Vân có đường biển cập bến, có đường sắt băng qua chân núi và trên cao là 16 cây số đường bộ uốn lượn qua đèo. Ngày nay đã có đường xuyên Hải Vân để qua Đà Nẵng cho gần hơn. Nhưng hầu như các xe du lịch đều đi đường đèo để được ngắm cảnh nước non diễm lệ không dễ gì có này. Xe dừng lại bên Hải Vân Quan, du khách thay nhau bấm máy để ghi lại địa danh nổi tiếng mình được dừng chân.
Để giữ gìn nơi biên cương huy hoàng này, Phú Lộc có ba đồn biên phòng: đồn Chân Mây, đồn Lăng Cô và đồn biên phòng Vinh Hiền. Những người lính giữ biên cương là những người lính mang quân hàm xanh. Màu xanh đã là một biểu tượng của trách nhiệm. Nhìn những người lính trẻ trung ở đây, lại nhớ ngày chúng tôi cũng trẻ trung như thế cầm súng vượt Trường Sơn vào chiến trường. Tuy nhiên, những người lính giữ biên cương được chọn lọc kỹ càng hơn. Ngay trong lý lịch của họ cũng phải biểu hiện được sự trung thành với đất đai Tổ quốc. Lẽ sống của chúng tôi trước mắt là kẻ thù. Còn lẽ sống của người lính mang quân hàm màu xanh là biên cương. Họ là người nổ tiếng súng đầu tiên khi kẻ thù đụng tới biên cương và họ là người reo vui cuối cùng khi kẻ thù đã bị đẩy bật ra khỏi biên cương của mình. Để giữ biên cương, người lính biên phòng luôn luôn phải giữ cho mình một kỷ cương chặt chẽ: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Đã nhận biên giới làm quê hương thì người lính biên phòng chắc chắn là người con của quê hương ấy thật sự.
Nhớ trận bão năm 2009 đổ bộ vào Lăng Cô, theo dõi diễn biến của trận bão, bộ đội tỏa đi từng nhà ngư dân hỏi xem gia đình họ đang đánh cá ở đâu, có liên lạc được với nhau không. Rồi canô phóng ra biển khơi gọi từng thuyền trở về. Sợ sóng to gió bão đập nát ghe thuyền của dân, cứ năm sáu chục người lính cầm dây kéo từng thuyền một lên bờ an toàn. Trận bão ấy, làng Đá Dầm bị ngập hết. Những người lính lại lội nước đưa đồng bào lên canô chở đến nơi an toàn. Mỗi gia đình chỉ để lại một người khỏe nhất ở nhà để trông coi, giữ gìn tài sản của mình.
Thật cảm động khi được chứng kiến cảnh tổ y tế của đồn, cứ đúng hạn lại một lần đến khám bệnh, cấp thuốc cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách. Trường hợp như bà Hiệng là một ví dụ cụ thể: Chồng bà hy sinh khi bà mới 23 tuổi. Nay đã hơn 70 tuổi, bà vẫn sống một mình trong ngôi nhà mái tôn. Mỗi tháng đồn cấp cho bà 15 cân gạo. Gia đình nào trong xã có người đau đều chạy tới gọi y tế của đồn. Nhớ hôm ấy bà Hiệng đau, nhờ hàng xóm đi gọi, tổ y tế tới, bà òa khóc. Không thật sự thương yêu như anh em ruột thịt làm sao có được những phút giây cảm động đến nao lòng ấy.
Chính những người lính quân hàm xanh đã mở lớp xóa mù chữ cho dân. Những bà con nghèo xưa không có điều kiện cắp sách đến trường, bây giờ cầm báo đọc hàng ngày không bao giờ quên những người thầy đã dạy từng chữ cho mình. Thật vui khi những gia đình trong làng xóm có mâu thuẫn với nhau, nhiều khi nặng lời, có cả khi nặng chân nặng tay với nhau cũng chạy tới đồn, nhờ đồn cho người về phân định trắng đen. Không tin làm sao có như thế được.
Đồn biên phòng đã gắn kết chặt chẽ với chính quyền và công an địa phương để giữ gìn an ninh cho vùng biên cương của mình.
Ở trong phòng một sĩ quan trinh sát, tôi thấy anh treo ngay trên đầu giường mình lịch ngày lễ của Thiên chúa giáo và Phật giáo.
Chỉ cần đọc trang giấy này, đủ để tôi hiểu các chiến sĩ biên phòng bám sát và hòa mình vào dân như thế nào. Chính vì vậy, tôi hiểu được vì sao nhân dân lại quý các anh đến thế.
Ngồi với một anh lính biên phòng ở Chân Mây, thật sự tôi muốn kiểm tra tri thức của anh về biên cương, cho nên trong lúc tâm sự, tôi hỏi anh:
- Tôi muốn hiểu kỹ cụm từ: “Đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”?
Anh đáp như chẳng cần suy nghĩ gì:
- Cuộc chiến ở biên cương chính là chiến tranh nhân dân anh ạ. Chúng tôi luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Nếu không có nhân dân, liệu chúng ta làm được gì?”. Nắm được từng mét đất ở biên cương chính là người dân. Vì vậy nhân dân ở biên cương chính là tai mắt của lính biên phòng. Vì thế chúng tôi có khẩu hiệu: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”. Có dân thì một người lạ mặt đặt chân tới biên phòng là đồn biết ngay. Ví dụ như biên phòng Lăng Cô bắt được một xe chở hàng trong đó giấu bao nhiêu thùng thuốc lá Jes. Không có cơ sở, không có đầu mối báo cáo cụ thể từ loại xe, màu xe, số xe làm sao mà biết được. Chính vì vậy, công tác trinh sát và vận động quần chúng là nhiệm vụ số 1 của lính biên phòng anh ạ.
Anh nói tiếp:
- Đồn biên phòng chúng tôi thành lập trong nhân dân tổ tự quản biên cương. Vì vậy, mỗi tấc đất biên cương đều được để mắt tới từng ngày. So với núi, biển ở biên cương thì lính biên phòng vậy là quá mỏng. Nhưng có nhân dân thì chúng tôi yên tâm. Có tình huống gì, chỉ trong tích tắc, chúng tôi được thông tin liền.
Chúng tôi về Phú Lộc lần này khi tình hình ngoài biển Đông đang nóng lên. Đến Lăng Cô, bãi tắm đông nghịt người. Tối ra Chân Mây, gặp ngay tổ tuần tra đang từ cửa Tư Dung đi về trên mỏm núi đá gập ghềnh, trông anh nào cũng nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Khi tổ tuần tra đi trên mép biển Cảnh Dương, biển sao êm ả thế. Trăng non đầu tháng rải xuống mặt cát một màu vàng bình yên. Bốn giờ sáng hôm sau, 154 tàu đánh cá từ ngoài khơi cập bờ. Một phiên chợ cá được mở ra ngay bên bờ biển. Năm giờ chợ đã tan rồi. Một ngày mới bắt đầu.
Suốt trong năm ngày liền, chúng tôi ở Chân Mây, xuống Lăng Cô rồi ra ngoài đảo Sơn Chà. Điều lạ là đến đồn biên phòng, ai cũng nghĩ đây là nơi nghỉ mát. Sân đồn đẹp như một công viên. Ngay cả Sơn Chà cũng vậy, mảnh sân nho nhỏ thôi, nhưng là một vườn hoa, góc sân, một cây chanh lúc lỉu mấy trăm quả. Căn nhà của lính nào cũng sạch như nơi ở của người đi an dưỡng.
Vẫn trong tâm trạng biển Đông đang nóng lên, tôi hỏi một chiến sĩ trinh sát:
- Hơi nóng ngoài biển Đông đã dội vào đây như thế nào?
Anh đáp ngay:
- Chúng tôi nắm chắc Công ước luật biển 1982. Ai cũng biết rằng công ước ấy quy định: đường sát bờ đây là đường cơ sở, từ đường cơ sở ra 12 hải lý là đường biên giới trên biển, từ đường biên giới trên biển ra 12 hải lý là vùng tiếp giáp, từ đường cơ sở ra 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế và ngoài vùng đặc quyền kinh tế là thềm lục địa. Nên khi nghe tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò tài nguyên trong hải phận của chúng ta, đêm ấy tổ trinh sát chúng tôi nghe xong tin cuộc va chạm ấy trên đài truyền hình, anh em tắt đài. Mọi người ra ngoài sân ngồi cụm với nhau. Bỗng một anh cất tiếng hát bài thơ của Lý Thường Kiệt đọc bên sông Như Nguyệt ngày đánh Tống, thế là mỗi người theo một giai điệu của chính mình, hát theo:
Dừng lại một chút cho đỡ xúc động, anh nói tiếp:
- Tổ quốc Nam do người Nam ở. Sách trời đã ghi rõ rành rành. Kẻ nghịch tử nào tới đây xâm phạm. Ta sẽ đánh cho tan tành. Không cứ lính gác, đêm ấy chúng tôi ai cũng ít ngủ anh ạ.
Chia tay người sĩ quan, tôi ra đứng ngoài bờ biển, trong ánh trăng non đầu tháng, tôi nhìn ba đỉnh núi cao ngang trời: Hải Vân, Bạch Mã, Truồi như ba người lính khổng lồ đứng gác đang phóng tầm mắt ra ngoài biển xa.
Non xanh nước biếc của Phú Lộc hiền thế, vậy mà xưa Lộc Tiến nằm ngay trong vòng kiểm soát của địch vẫn trở thành một xã anh hùng. Rõ ràng mặt biển hiền lành của Cầu Hai, của Chân Mây và của Lăng Cô đang ủ trong lòng nó những cơn sóng ngầm, sẽ là sấm sét khi tình thế không thể cầm lòng.
Không gian hoành tráng của Hải Vân, Bạch Mã, Truồi cùng với Chân Mây, Lăng Cô và hòn Sơn Chà ngoài xa kia như hòn đảo tiền tiêu nhắc cho tôi rằng tôi đang đứng ở một vùng biên cương. Ngoài xa kia, ngọn hải đăng trên đỉnh Sơn Chà vẫn nhấp nháy như trách nhiệm của một người lính gác.
Bút ký: Nguyễn Quang Hà