Một vài lưu ý khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

25-06-2021 17:25 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay nước ta đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng quốc gia. Khi tiêm vắc xin cần lưu ý một số điểm sau đây.

Trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận 14 - 20% các trường hợp có phản ứng sau tiêm, chủ yếu là các phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, chóng mặt, đau cơ… Các dấu hiệu này sẽ tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vắc xin phòng COVID-19, mà còn ở các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác. Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, điều trị tại cơ sở y tế với các phác đồ chống dị ứng, chống sốc phản vệ để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.

Hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng “giả cúm”. Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng.

Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thậm chí là có lợi vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin.

tiêm phòng

Không nên lạm dụng thuốc sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Việc khám sàng lọc để phát hiện các chống chỉ định trước khi tiêm vắc xin cần được tiến hành chặt chẽ. Người có tiền sử phản ứng, dị ứng nặng cần phải khai báo trung thực để loại trừ. Nhìn chung không nên tiêm vắc xin trong trường hợp người đó có các vấn đề về sức khỏe, đang uống thuốc kháng sinh.

Các đối tượng chưa nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 là: Người đang mắc bệnh cấp tính, đang bị nhiễm trùng hoặc đang sốt; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19; tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Đối với một số trường hợp có phản ứng sau tiêm một cách rầm rộ và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì có thể sử dụng một số thuốc không kê đơn như ibuprofen, paracetamol (acetaminophen) để hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Những người đang dùng các thuốc trị bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… cần được tư vấn kỹ trước khi tiêm và cân nhắc giữa lợi ích/nguy cơ để quyết định có nên tiêm vắc xin hay không bởi vì các đối tượng này cần phải dùng thuốc đều đặn để duy trì các chỉ số sinh hóa máu như đường huyết, huyết áp… ngay cả khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Xem thêm: Vắc xin COVID-19 Sinopharm: Khuyến nghị tạm thời của WHO

Chuyên gia lý giải về "tính sinh miễn dịch" và "hiệu quả bảo vệ" của vắc xin COVID-19


ThS. DS. Lê Quốc Thịnh
Ý kiến của bạn