Hà Nội

Một tuần xảy ra 45 vụ cháy rừng ở các tỉnh Trung bộ

06-07-2019 13:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có tuần cao điểm ghi nhận xảy ra 45 vụ cháy rừng ở các tỉnh Trung bộ.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2019 cháy rừng diễn ra rất phức tạp, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Cụ thể, cả nước đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy 930ha, tăng 705ha (hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018). Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 01/7 trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).

Tuần cao điểm ghi nhận xảy ra 45 vụ cháy rừng ở các tỉnh Trung bộ.

Đại điện Tổng cục Lâm nghiêp ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng cho biết, 6 tháng năm 2019, thời tiết có nhiều dị thường, nắng nóng đến sớm, khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp cao. Mặc dù các địa phương và toàn lực lượng kiểm lâm đã có nhiều biện pháp cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý chữa cháy kịp thời, song cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và khu vực miền Trung vừa qua.

Thông tin thêm về những vụ cháy rừng xảy ra tại một số tỉnh miền Trung mới đây, đại diện Cục trưởng Cục Kiểm lâm - cho biết, diện tích rừng thiệt hại chủ yếu là rừng trồng. Trong số diện tích rừng bị cháy thì 40% là của chủ rừng là các hộ. Đây cũng là vụ cháy rừng đầu tiên tại Việt Nam phải di dời người dân và các công trình công cộng.

Nhận diện những thách thức còn tồn tại trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng theo dự báo khí tượng thủy văn, hiện có 3 tỉnh đang đối diện với nguy cơ cháy rừng cấp 5. Đề nghị Cục Kiểm lâm có phương án, xây dựng cảnh báo, dự báo tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, và đặc biệt là chữa cháy rừng.

Thời gian tới đây, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong quản lý bảo vệ rừng, thiết lập mạng lưới cộng tác viên cung cấp thông tin tại các cơ sở.

Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục xây dựng dự án ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và bảo vệ, trong đó ưu tiên phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng và công tác ứng cứu, chữa cháy rừng.
Nắng nóng quay trở lại miền Bắc và miền Trung
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, đồng bằng và trung du Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; các tỉnh Trung Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.

Khu vực Hà Nội: Ngày hôm nay (06/7), trời nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Nắng nóng có xu hướng gia tăng ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Trung Bộ trong những ngày tới. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài 2-3 ngày tới ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; các tỉnh Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Do ảnh hưởng của nắng nóng nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngày hôm nay (6/7), chỉ số tia UV ở thành phố Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 6-8 ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.


Trần Lực
Ý kiến của bạn