Đúng như chủ đề, Quán thanh xuân tháng 9/2020 là những câu chuyện, kỷ niệm của các khách mời của ngành viễn thông song hành với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là sự xuất hiện của điện thoại ở nước ta ở thập niên 80 của thế kỷ 20, giúp con người gần lại với nhau, đồng thời nhắc nhở chúng ta về giá trị lớn nhất của sự kết nối: Kết nối tình người.
Toàn cảnh chương trình Quán thanh xuân tháng 9/2020
TS. Mai Liêm Trực chia sẻ, thời kỳ bao cấp, mạng điện thoại ở Việt Nam còn khá lạc hậu, tổng số điện thoại chưa được 10.000 thuê bao và điện thoại đường dài thì hoàn toàn chưa có thuê bao di động, ngành bưu điện rất khó khăn. Nhưng bằng những nỗ lực, từ năm 1997, “chúng tôi có hợp tác với một kênh vệ tinh ở nước ngoài để phục vụ cho đất nước đổi mới và thu hút đầu tư” – ông Trực cho biết.
TS. Mai Liêm Trực
Trong ký ức của ông Mai Liêm Trực còn vẹn nguyên hình ảnh tất cả các bưu điện khoảng 30 năm trước, mọi người xếp hàng rất là đông. “Tôi chứng kiến năm 1998 khi công tác ở TP.HCM thì thấy bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long họ kéo về thành phố rất đông, tập trung ở những trung tâm bưu điện ở Sài Gòn. Họ xếp hàng và ở đầu dây bên kia nói “Má ơi con đây” ... Người mẹ nói lại “Con ơi má đây” thì nghẹn lời, không nói gì được nữa. Và từ đó thì cả gia đình mới nói “Má ơi má ơi nói đi, điện thoại quốc tế mắc tiền lắm đấy” nhưng một lúc sau người mẹ mới trấn tĩnh và nói lại được. Nhìn cảnh ấy chúng tôi rất xúc động và thấy trách nhiệm của mình, để làm sao những người dân có thể gặp gỡ, nói chuyện điện thoại với nhau. Thời đấy chưa dám nói nhìn thấy nhau như bây giờ, chỉ cần nghe tiếng thôi là đã xúc động. Người Việt ở nước ngoài bao năm không liên lạc được với gia đình, nên một cuộc điện thoại thời ấy là quý giá vô cùng”.
MC của chương trình - nhà báo Diễm Quỳnh
Cũng theo TS. Mai Liêm Trực, ngày xưa gọi đi quốc tế rất đắt, người dân mình không có tiền để trả phí. Tổng Cục bưu điện mới thỏa thuận với đối tác nước ngoài, bên Việt Nam mà gọi, bên kia đồng ý thì bên kia trả cước phí. Cho nên ngày trước người nước ngoài gọi về Việt Nam rất nhiều, hoặc từ trong nước gọi ra quốc tế nhưng người nghe – gọi trong nước không phải mất tiền.
Nhà báo Phạm Thị Thục lại kể, ngày trước mới có mạng viễn thông, đi gọi điện thoại thì gặp cảnh, một người phụ nữ nói phần của mình xong thì móc trong túi ra những tờ giấy của hàng xóm gửi ... thông tin và đọc tiếp. Mọi người xếp hàng dài, đứng đợi lâu quá nên cãi lộn um xùm. Sau đấy Bưu điện phải treo bảng “Mỗi người chỉ gọi điện tối đa 5 phút”. Thời ấy thấy điện thoại nối tình thương giữa hai đầu là cực kỳ quan trọng, mặc dù không thấy nhau nhưng nghe tiếng nói là đã thấy thương nhau rồi. Vì thế mọi người mới vượt qua biết bao chặng đường chỉ để đến bưu điện.
Nhà báo Phạm Thị Thục
“Ngày bé tôi nhớ cả xã tôi mới có một điện thoại ở trên UBND xã mà nhà tôi lại ở khá xa” – đó là chia sẻ của nhà báo Ngô Bá Lục. Theo anh, ngày trước, bình thường mà có ai gọi về UBND xã thì họ lại cử một bưu tá đi báo. “Có lần tôi nhớ cả nhà đang đi thu hoạch lạc ngoài đồng thì có người gọi lên UBND xã nghe điện thoại, ông bưu tá nói xong đạp xe đi luôn. Cả nhà vứt việc đấy, mẹ tôi chạy vội lên nghe điện thoại của con ở trong miền Nam gọi về. Lên đến nơi thì phải chờ một lúc mới thấy bên kia gọi lại. Lúc bé thích nhất là thấy ông bưu tá đến vì sẽ biết anh trai có về hay không” – nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ thêm.
Nhà báo Ngô Bá Lục
Khiến chương trình ngập tràn tiếng cười nhưng không kém phần xúc động là chia sẻ của NSƯT Minh Vượng. Chị cho hay, những năm 1988 – 1991, Minh Vượng có người yêu học ở Nga, cứ hẹn nhau vào ngày Chủ nhật, đúng 12 giờ đêm phải đến công ty của người bạn thân để nghe ké điện thoại. Có thời gian người ta nghĩ chị đang yêu một người đàn ông đã có vợ và 4 con làm bảo vệ ở cơ quan ấy, nhưng thực ra chỉ là chị đi nghe nhờ điện thoại.
Ngày trước, Minh Vượng với Minh Hòa (NSND Minh Hòa – PV) đi diễn với nhau và không có điện thoại như bây giờ. Minh Vượng phải đạp xe từ phố Lò Đúc đến khu Mai Dịch để gặp các bạn văn công, thông báo cho nhau về lịch diễn, có khi mất cả tiếng. Đến khi đạp xe về đến nhà lại quên không nhắc các bạn phải mang áo này, mặc quần kia nên hộc tốc “trứng vịt lộn” quay lại Mai Dịch. Đối với Minh Vượng, những ký ức ấy là một trời thương nhớ và không bao giờ quên.
Những chia sẻ kể trên cho khán giả xem Quán thanh xuân nói riêng, công chúng nói chung nhận ra một điều: dù cuộc sống, công nghệ thông tin, viễn thông ngày càng hiện đại thì vẫn có những giá trị không bao giờ thay đổi. Alo, Quán thanh xuân xin nghe! cũng đã lan tỏa mạnh mẽ cảm xúc về mạng viễn thông, điện thoại một thời, giá trị ấy cũng sẽ còn mãi: Kết nối tình thân giữa con người và con người.