Theo TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện SKTT, BV Bạch Mai, hiện nay tuy chưa có BN điều trị nội trú đơn thuần liên quan đến nghiện face, nhưng tại BV Bạch Mai đã có nhiều ca tư vấn khi có các bệnh lý đồng diễn hoặc hậu quả của quá trình nghiện face nói riêng cũng như nghiện mạng xã hội nói chung.
Các chuyên gia cũng cho hay, chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng facebook nhưng khi bạn dùng facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào facebook hoặc người nhà không cho vào bạn cảm thấy bồn chồn, khó chịu; bạn vào facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, đang học; việc sử dụng facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập… đấy là các chỉ báo bạn nên ngừng lại.
TS. Phương dẫn chứng một trường hợp trẻ 14 tuổi, sử dụng điện thoại, facebook 10 tiếng mỗi ngày. Gia đình kể lại là cứ đi học về là cháu cắm đầu vào facebook "chém gió" với các bạn. Gia đình cảm thấy khó chịu thu điện thoại thì trẻ liền lên cơn co giật. Gia đình đưa cháu đến BV và khi làm các kiểm tra cháu bị co giật phân ly.
TS. Nguyễn Doãn Phương.
"Đây là bệnh lý không có thực thể, các bác sĩ đành hướng dẫn gia đình để cháu vừa chơi facebook vừa chữa bệnh. Đồng thời, tư vấn cho biết trẻ biết phải sử dụng thời gian hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của gia đình và khả năng của cháu"- TS. Phương nói.
Lại có những trẻ suốt ngày ngồi thu lu trong phòng chơi facebool, không nói chuyện, không hoạt động gì chỉ đến bữa là ra ăn. Khi đi khám bệnh mới phát hiện ra trẻ có hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh trong đầu lúc nào cũng có tiếng nói "mày phải chơi đi", tiếng nói lúc của đàn ông, lúc của đàn bà. Đây là một dạng đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt, ảo thanh thường xuất hiện vào lúc chạng vạng chiều tối.
Dấu hiệu chứng tỏ bạn nghiện face
ThS. Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị Nghiện chất, Viện SKTT cho biết, trái với việc dùng facebook không có mục đích rõ ràng; việc dùng face có mục đích, dùng nhiều với mục đích công việc thì không phải là nghiện. Người nghiện face dễ rơi vào trạng thái sống ảo, thu hẹp các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực,nghèo nàn kỹ năng xã hội, hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma tuý... Đối tượng hay gặp nhất là ở lứa tuổi trẻ học sinh sinh viên.
ThS. Lê Quang Thiện, Viện SKTT cũng cho biết, thời điểm này phòng điều trị tâm thần trẻ em chưa có cháu nào vào viện vì nghiện facebook nhưng khi các cháu vào với các biểu hiện nghiện Facebook. Khi bác sĩ khai thác thì tổng thời gian sử dụng nhiều trên 4 – 5 tiếng/ngày. Nghiện hay không nghiện chưa chắc chắn nhưng có liên quan là lạm dụng game, facebook, sử dụng điện thoại thường xuyên, xem liên tục. Khi lạm dụng facebook làm trẻ không quan tâm tới cuộc sống, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần.
Ảnh minh họa.
3 dấu hiệu chứng tỏ bạn nghiện face cần đi khám ngay đó là:
- Dù đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook mà không thành công. Cảm thấy 1 sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều
- Bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook.
- Sử dụng facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập của bạn.
Các bác sĩ cho biết hiện chưa có nghiên cứu các thuốc có hiệu quả trong nghiện face. BN chỉ dùng thuốc khi có các bệnh đồng diễn hoặc hậu qủa của nghiện facebook: mất ngủ, trầm cảm…