Đồng bằng sông Cửu long có khoảng 1,6 triệu người dân tộc Khmer đang lưu giữ một “đặc sản” văn hóa độc đáo là Nghệ thuật Sân khấu Dù kê. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê của bà con Khmer Nam Bộ đã tạo dựng được vị thế của mình trong đời sống cũng như làm giàu thêm vốn nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Với những giá trị độc đáo về mặt đề tài, chủ đề, cách diễn xướng, âm nhạc, mĩ thuật mang đậm bản sắc riêng biệt khó lẫn, song lại mang được hơi thở chung của vùng sông nước miền Tây Nam bộ nên từ khi ra đời đến nay, Sân khấu Dù kê luôn được người dân Nam Bộ, đặc biệt là người Khmer yêu thích.
Năm 2013, trong chương trình Những hoạt động chính của Festival Đua ghe Ngo Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất - Sóc Trăng năm 2013, tối 11/11/20013, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức lễ khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ I tạo được dấu ấn không chỉ trong Festival mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp miền Tây Nam bộ cũng như sự chú ý của dư luận cả nước.
Vừa qua, Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận. Động thái trên càng góp phần khẳng định giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Tuy nhiên, mọi vở diễn sân khấu đều bắt đầu từ kịch bản bởi “có bột mới gột nên hồ”. Bên cạnh những trại sáng tác kịch bản sân khấu hàng năm dành cho các loại hình sân khấu kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, sân khấu dân ca... Hội NSSK Việt Nam đã tổ chức riêng một trại sáng tác kịch bản sân khấu Dù kê Khmer tại Sóc Trăng với sự tham gia của 17 tác giả từ ngày 7/10 đến 22/10/2014.
Hiện 17 kịch bản đầy tâm huyết của 17 tác giả tại trại ST đang được góp ý, chỉnh sửa, nâng cao, hy vọng Sân khấu Dù kê Khmer sẽ có nguồn “bột” có chất lượng cao về nghệ thuật tạo thành bước chuyển đột phá trong những vở diễn trong tương lai. Trong 17 kịch bản lần này có tới 4 đề tài hiện đại như Hai người bạn của Đào Chuông, Đất hương hỏa của Thạch Sung, Câu chuyện À liều của Triệu Văn Đài, Đi tìm hạnh phúc của nữ tác giả duy nhất của trại Thạch Thị Út Linh. Kịch bản của Út Linh mang tính luận đề cao. Kịch bản lịch sử có “sự hy sinh vì độc lập tự do” của Thạch Khône - Thạch Chân nói về một gia đình Khmer cùng đồng bào các dân tộc khác trong vùng sát cánh trong cuộc chiến đấu vì độc lập và tự do của Tổ quốc. Với đặc trưng loại hình, những kịch bản còn lại tìm đến những câu chuyện thần thoại, dã sử, cổ tích... để cấu trúc thành tác phẩm, song đọc xong vẫn thấy từ trong đó hừng hực hơi thở cuộc sống hôm nay với những vấn đề vui và nhức nhối như Lời tiên tri, Định mệnh, Nghiệp chướng, Hoàng tử lạm ngôi, Bí ẩn cây đèn thần, Bộ mặt bọn lừa đảo, truyền thuyết Ao Bà Om....
Những kịch bản đậm chất nhân văn nói về đạo đức công dân, đạo đức xã hội, về tình yêu cũng ăm ắp những chi tiết thật, sinh động của vùng sông nước Nam bộ như Mối tình oan nghiệt, Sô vanh Na Vong Mối tình chung thủy, Chuyện nàng hoa sứ...
Từ trại sáng tác này, các tác giả bên cạnh việc nắm vững nghệ thuật biên kịch sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng những đề tài, tác phẩm mang tính lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ…
Lưu Thủy