Một tờ báo có đóng góp to lớn cho cộng đồng

30-09-2011 08:10 | Thời sự
google news

Chỉ còn ít ngày nữa là báo Sức khỏe&Đời sống (SK&ĐS) tròn 50 tuổi. Tôi rất đỗi vui mừng và phấn khởi viết đôi hàng chúc mừng tờ báo có uy tín lớn, Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, Diễn đàn vì sự nghiệp sức khỏe toàn dân.

 GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu.
Chỉ còn ít ngày nữa là báo Sức khỏe&Đời sống (SK&ĐS) tròn 50 tuổi. Tôi rất đỗi vui mừng và phấn khởi viết đôi hàng chúc mừng tờ báo có uy tín lớn, Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, Diễn đàn vì sự nghiệp sức khỏe toàn dân.

Tờ báo Sức khỏe ra đời từ năm 1961, đã và đang ngày càng phát triển toàn diện, vượt bậc. Có thể nói đây là một tờ báo có số lượng độc giả đông nhất và số lượng phát hành cao nhất trong các tờ báo có từ “đời sống” trong tên gọi. Hiện nay, báo SK&ĐS có nội dung rất phong phú, đa dạng, không những về y học mà còn về những ngành khoa học khác, về xã hội, văn hóa, văn nghệ, luật học, kinh tế học...

Về mảng y tế, tôi thấy các bài viết về Tây y rất có chất lượng bất kể tác giả có học hàm học vị gì, độ dài của các bài viết cũng vừa phải, hợp lý. Nội dung của các bài viết cũng phong phú, đa dạng, nhưng có những bài có trình độ chi tiết cao vượt ra ngoài cả cẩm nang phòng chống bệnh tật và chăm sóc sức khỏe ban đầu mà GS.TS. Trịnh Quân Huấn phát biểu khi đến thăm báo SK&ĐS nhân “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2011”. Có những nội dung hay và bổ ích, bản thân tôi phải ghi chép lại cho mình. Về y học cổ truyền, có những bài của GS.TS. Phạm Xuân Sinh viết đầy đủ cả những thông tin khoa học theo kiểu Tây y như tên khoa học bằng tiếng La-tinh của các cây thuốc, con thuốc, các lý luận cũng theo dạng của Tây học nên rất có chất lượng, bổ ích và tạo được niềm tin cho người đọc. 

Về mảng xã hội học, gần đây, nhà thơ Vũ Quần Phương có những bài  như Cưỡng chế, Kén chọn nhân tài và nhà văn Chu Lai có bài về Dụng cụ đuổi côn trùng đã mạnh dạn, khảng khái phê phán trực diện những mặt không tốt, mặt tiêu cực và mặt thiếu xót của xã hội làm ăn, rất đáng hoan nghênh.

Trang 2 của mỗi số báo có mục “Lai rai kỳ này” của tác giả Cả Nghĩ, luôn luôn là mục tiêu tìm  đọc đầu tiên của nhiều độc giả, trong đó có tôi và vợ tôi. Tác giả đã thẳng thắn vạch mặt chỉ tên, đi vào những việc tiêu cực tày trời một cách dũng cảm đáng quý. Đây là mục đề cập những điều thực tế, xứng đáng dùng giọng văn phê phán nghiêm khắc cho cả hai vai Hai Phiếm và Cả Nghĩ để có được kết luận nghiêm túc hơn. Chúng tôi thấy không cần và không nên dùng những từ quá dân dã, cụ thể như từ “dưng” thay cho “nhưng” của vai Hai Phiếm.

Khác với mục “Lai rai kỳ này”, mục “Nụ cười thiền” của tác giả Hoàng Long đã nêu ra những triết lý cho đời dựa vào những việc siêu thực và có lời bàn như kiểu của Mao Tôn Cương trong sách “Cổ học tinh hoa” vậy. Nhưng không được thuyết phục bằng “Cổ học tinh hoa”, dựa vào việc thật hay có thể có thật, nên hợp với tấm lòng ưa sự thật của người đọc hơn. Nếu tác giả viết về những việc tốt và không tốt trong hiện tại với những lời bàn thiết thực thì có lẽ hay hơn.

Ngoài ra, mảng văn hóa, văn nghệ và các lĩnh vực khác, báo SK&ĐS đã tranh thủ được sự tham gia đóng góp của nhiều cây bút có tên tuổi thường xuyên viết bài, đặc biệt có nhà văn hóa Hữu Ngọc với những bài có liên quan đến lịch sử, địa lý, văn học với các dữ kiện rất phong phú, phân tích một cách uyên bác hiếm có. Tôi còn nhớ trước đây, cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã có những bài viết rất chất lượng và rất cô đọng về một vấn đề rất cụ thể, mà tôi cứ mường tượng như đấy là học tập cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vậy.

Nói tóm lại, tờ SK&ĐS đã có một tầm vóc lịch sử lâu dài với những đóng góp vô cùng to lớn với cộng đồng, rất khích lệ và có nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Tuy nhiên, với lòng yêu mến và quý trọng vô vàn tờ báo diễn đàn tin cậy của ngành y tế và nhân dân, tôi xin mạnh dạn tham gia một số ý kiến tâm đắc nhất, thiết tha mong mỏi tờ báo thân yêu của chúng ta ngày càng lớn mạnh không ngừng:

- Thêm mục “Trao đổi” ngắn gọn về mọi mặt, góp ý hoặc xin ý kiến, kể cả danh từ y học, ngôn ngữ chính xác.

- Giới thiệu những thành tựu mới của y học nước ta, kể cả lý thuyết mới đã được chứng minh, vinh danh cho ngành y học của nước ta.

- Tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết cho độc giả về y học và môi trường.

- Xin đề nghị chuyển hướng cho trang văn hóa, văn nghệ tập trung hơn vào những vấn đề có liên quan đến sức khỏe và đời sống hơn (viết những gương về y đức, bồi dưỡng chuyên môn, tri ân thầy thuốc, những chuyện về tiêu cực trong nghề nghiệp, mê tín dị đoan, ma túy, chữa bệnh bằng những phương pháp vô nhân đạo, vi phạm môi trường, nạo phá thai, tảo hôn, bệnh lây truyền qua đường tình dục...). Cuối mỗi chuyện, nên khéo léo có lời kết với tính chất giáo dục.      

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu


Ý kiến của bạn