Một “tình yêu” thiết thực

01-08-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 12 tháng 8 năm 2015.

Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 12 tháng 8 năm 2015. Trong chuỗi các hoạt động, các nhà thiết kế thời trang Việt Nam là Minh Hạnh, Chu La, Lan Hương, Quang Nhật sẽ giới thiệu với công chúng Mỹ tại Washington DC và New York những bộ sưu tập mang tên: Sự biến đổi kỳ diệu (Miraculos Transformation). Ngôn ngữ thời trang sẽ biểu đạt sự biến đổi kỳ diệu trong 20 năm quan hệ Việt - Mỹ.

Tại cuộc họp báo giới thiệu sự kiện này do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức cuối tháng 7/2015, nhà thiết kế Minh Hạnh đã chính thức thừa nhận việc chị và những người bạn đã quyết tâm chinh phục nước Mỹ thông qua ngôn ngữ thời trang bằng cách trang trải toàn bộ chi phí cho chuyến đi. Theo đó, vé máy bay/tiền khách sạn/đi lại sẽ được “chia nhau chân tình” cho mỗi thành viên trong đoàn, bao gồm cả các người mẫu như: Hoa hậu Ngọc Hân, Hoàng Yến, Thúy Hương, Thanh Tú, Phương Liên... Minh Hạnh tự nguyện gánh thêm phần chi phí phát sinh.

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ rằng câu chuyện đi làm văn hóa, quảng bá với thế giới về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam chưa bao giờ đơn giản khi đụng đến vấn đề tài chính. Ngay cả những chương trình văn hóa lớn ở Việt Nam, Chính phủ cũng không đủ kinh phí để trang trải. Bởi vậy, trong lĩnh vực của mình, với tư cách một nghệ sĩ có khả năng xử-lý-việc-này, mặc dù không muốn được nhìn nhận như những “chiến sĩ” nhưng rõ ràng Minh Hạnh và những người bạn đang “chiến đấu”.

Những hiểu biết về nước Mỹ, về người Mỹ, về những người Việt Nam đang sống tại Mỹ cho Minh Hạnh cảm nhận điều mà họ thiếu thốn. Họ có thể rất đầy đủ về vật chất nhưng hiểu biết về văn hóa nguồn cội còn nhiều hạn chế. Sự biến đổi kỳ diệu được mang đến xứ cờ hoa lần này thông qua câu chuyện thời trang sẽ khiến người Mỹ nhìn thấy một Việt Nam mới, với những chuyển biến tích cực, văn minh. Những chuyển biến tích cực không chỉ trong 20 năm mà còn là giai đoạn những năm sau chiến tranh. Văn hóa đã quyết định sự văn minh này. Nhưng làm thế nào để trưng ra những điều đó nếu như không có nhiều mối quan hệ quốc tế hơn? Thời trang là một loại ngôn ngữ không cần phiên dịch. Đó chắc chắn là một trong những con đường giúp những tâm hồn khác biệt gần gũi nhau mau lẹ hơn, bởi ưu thế của sự  đồng cảm về văn hóa.

Vậy thì Minh Hạnh và những người bạn sẽ nhận lại được gì sau “nghĩa cử” của họ?  Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng cho biết chị hạnh phúc khi được làm một điều gì đó tốt đẹp cho văn hóa Việt Nam, khi góp phần mình khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Nhận lại vinh dự dành cho các nhà thiết kế thời trang Việt Nam, đó là phần thưởng lớn hơn tất cả mọi điều cho những người làm nghề. Điều đó khiến họ cảm thấy những gì bỏ ra là xứng đáng, là có ý nghĩa. Minh Hạnh hy vọng rằng Sự biến đổi kỳ diệu sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới, bằng những cách khác nhau. Sự thấu hiểu về nhau thông qua hợp tác, giao lưu là câu chuyện liên tục, lâu dài.

Cũng tại cuộc họp báo giới thiệu sự kiện, ngài Đại sứ Mỹ cho biết: Ở Mỹ, tháng 8 là tháng của du lịch. Rất đông người đến Washington DC, bao gồm cả người Mỹ và ngoại quốc. Như vậy đây là cơ hội rất tuyệt để sự quảng bá về văn hóa Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ hơn các thời điểm khác trong năm. Đây cũng có thể coi như một sự đền bù thiết thực cho nỗ lực của những tâm huyết, mà một trong những đại diện tiêu biểu là nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Phải chăng đó là một tình yêu đã được đền đáp? Yêu thì chả cần rườm lời. Minh Hạnh và những người bạn hẳn đã được hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc khi bày tỏ tình yêu của mình với văn hóa Việt, với quê hương xứ sở Việt bằng một việc làm cụ thể. Như văn hào Nga Ylia Erenbua đã từng viết trong một bài luận văn nổi tiếng về lòng yêu nước: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...”.

Cần lắm, cần thêm nữa những biểu hiện của tình yêu được cụ thể hóa như vậy, thiết thực như vậy. Để văn hóa Việt Nam được cất lên tiếng nói của mình, giữa dòng chảy cuồn cuộn của văn hóa thế giới.

Võ Hồng Thu

 

 


Ý kiến của bạn