Ở Hà Nội có một nghệ sĩ mà cuộc đời và sự nghiệp của bà đã lắng đọng trong nhiều thế hệ công chúng cũng như các thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam. Từng hàng chục năm làm ca sĩ, tiếp đó là cả một đoạn trường 30 năm gắn với nghề phát thanh viên, bằng chất giọng trong sáng, truyền cảm, người nữ nghệ sĩ ấy đã thu hút sự chú ý của hàng triệu trái tim ở mọi miền đất nước cũng như cộng đồng người Việt sinh sống tại nước ngoài. Cách đây gần 20 năm (1993), bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân về những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ nước nhà. Bà là nghệ sĩ Tuyết Mai, nguyên phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam...
Nghệ sĩ nhân dân Tuyết Mai. |
Ngày ấy, những ca sĩ đi theo Việt Minh và sinh hoạt trong các đoàn thể Cứu quốc xem ra chỉ đếm trên đầu ngón tay… Còn ca sĩ hát được các bài hát nước ngoài thì lại càng hiếm hoi. Vậy mà ở tuổi đôi mươi, Tuyết Mai đã thể hiện rất thành công các bài hát bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nhật. Có lẽ vì thế mà cứ mỗi lần chiêu đãi khách quốc tế, ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội thời bấy giờ lại mời Tuyết Mai đến hát. Còn nữa, ngày ấy rất hiếm có ai hát với dàn nhạc kèn phục vụ công chúng. Vậy mà bà đã thể hiện rất thành công nhiều ca khúc như Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi… với dàn nhạc kèn đệm. Trong ký ức của bà vẫn còn lưu giữ kỷ niệm về những buổi biểu diễn chào mừng Bác Hồ và đoàn đại biểu Chính phủ ta từ Pháp về đến Hà Nội; phục vụ lễ khai giảng khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn có Bác Hồ tham dự. Tuyết Mai còn nhớ kết thúc đêm diễn, Bác đến bắt tay từng nghệ sĩ. Sau buổi biểu diễn, đêm về, hình ảnh Bác tỏa sáng trong giấc mơ của cô ca sĩ trẻ.
NSƯT Phan Phúc, nguyên là Trưởng đoàn Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn đời của nghệ sĩ Tuyết Mai kể lại: Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phan Phúc công tác ở Khu 11; còn bà Tuyết Mai tiếp tục đi phục vụ thương bệnh binh. Hồi đó, mọi cái đều thiếu thốn, đặc biệt là thuốc men và các thiết bị y tế. Nhiều ca mổ, kể cả những ca phẫu thuật nặng như cưa chân, cưa tay phải tiến hành trong điều kiện không có thuốc mê. Trong hoàn cảnh ấy, lời ca tiếng hát của nghệ sĩ như bà quả là những liều thuốc tiên làm dịu đi nỗi đau của những người bị thương tật. Ít lâu sau, vẫn những lời ca, tiếng hát ấy lại theo bà lên chiến khu Việt Bắc.
Rồi còn biết bao đêm lửa trại, các chuyến đi chiến dịch phục vụ bộ đội và dân công; phục vụ đồng bào, chiến sĩ nơi đóng quân đã thực sự là những món ăn tinh thần thắm đượm tình quân dân. Mỗi chuyến đi biểu diễn ở núi rừng Việt Bắc là mỗi lần bà gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn, vui. Nhiều lần phải đi bộ cả mấy ngày đường mới về đến địa điểm tập kết. Có lần không có phương tiện chở các nhạc cụ như kèn, trống, loa đài, các nghệ sĩ phải cùng nhau cõng bộ. Mặc dù điều kiện sống và sinh hoạt khó khăn vô cùng nhưng ai nấy đều cảm thấy hồn nhiên và lạc quan yêu đời.
Nghệ sĩ nhân dân Tuyết Mai (thứ 2 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp. |
Biết tôi là “dân ngôn ngữ” chỉ còn nhớ được lõm bõm ít chữ Hán, chị đã giao việc “dọn sóng”, tức là nhặt “sạn” trong văn bản phát thanh để rút kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Nhớ nhất những buổi cùng đọc với chị, hễ gặp từ Hán - Việt mới lạ hoặc dịch chưa rõ nghĩa, thế nào chị cũng giữ tôi lại “quay” hàng giờ để giải thích cho bằng xong. Nếu như sau giờ đọc, cánh phát thanh viên nam thường hay ra ngoài ban công gác ba nhìn xuống đường Bà Triệu xanh um cây lá, chuyền tay điếu thuốc lá Trường Sơn, Tam Đảo mà giải lao thì chị Tuyết Mai lại chăm chăm ngồi xem tiếp trang sách vừa đánh dấu và hai tay thoăn thoắt đẩy đôi que đan lên xuống cho dài rộng thêm cái áo len để mặc cho bé Tuyết Minh.
Tuyết Minh bây giờ đã là Giám đốc VOV3 (âm nhạc thông tin, giải trí) của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở cương vị ấy, chị hiểu rằng, cái gì mà chị có được hôm nay là dấu gạch nối giữa cha và mẹ chị - những người dành cả cuộc đời cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. NSND Tuyết Mai đâu chỉ một thời mà nhớ mãi.
Lưu Vinh