Thời gian gần đây, thị trường sách văn chương ngày càng trở nên sôi động hơn. Cụ thể là cuộc thi tiểu thuyết thứ ba 2006 - 2009 đã gặt hái được nhiều thành công. Xét về số lượng đã có bước phát triển từ 176 tác phẩm tham dự lần thứ nhất lên 200 tác phẩm dự thi lần thứ hai và 247 tác phẩm trong cuộc thi lần thứ ba. Nhưng tiếc thay, sự sôi động ấy chỉ diễn ra ở mảng sáng tác, còn mảng phê bình trồi sụt, xuất bản thì hỗn loạn.
Được mùa sáng tác
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba đã được Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN)trao giải thưởng vào cuối năm 2010 với kết quả là Giải A được trao cho tác phẩm Hội thề (Nguyễn Quang Thân). Ba giải B có: Chân trời mùa hạ (Hữu Phương); Vùng lõm (Nguyễn Quang Hà) và Quyên (Nguyễn Văn Thọ). Mười giải C gồm: Lửa đắng (Nguyễn Bắc Sơn); Heo may về (Đỗ Thị Hiền Hòa); Xiêng Khoảng mù sương (Bùi Bình Thi); Thần thánh và bươm bướm (Đỗ Minh Tuấn); Biết đâu địa ngục thiên đàng (Nguyễn Khắc Phê); Xuân từ chiều (Y Ban); Đêm Sài Gòn không ngủ (Trầm Hương); Thức giấc (Thùy Dương); Đất trời vần vũ (Nguyễn Một) và Những cánh hoa lòng (Thiên Sơn). Qua đó cũng giúp ta phần nào có thể hình dung ra diện mạo của văn chương nước nhà khoảng gần chục năm trở lại đây.
Về giải thưởng thường niên của HNVVN năm 2010 được trao cho 4 tập tiểu thuyết, truyện ngắn: Lính trận (Trung Trung Đỉnh), Minh sư (Thái Bá Lợi); Lỏng và Tuột (Trần Đức Tiến), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam) và 2 tập thơ: Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn) và Sóng và khoảng lặng (Từ Quốc Hoài), không có giải cho lý luận - phê bình và văn chương dịch.
Năm 2011, giải được trao cho tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), tập truyện ký Huyền thoại tàu không số (Đình Kính); 2 tập thơ Ngày linh hương nở sáng (Đinh Thị Như Thúy) và Hoan ca (Đỗ Doãn Phương), tập lý luận - phê bình Bàn về minh triết và minh triết Việt (Hoàng Ngọc Hiến).
Năm 2012, giải thưởng dành cho văn xuôi có Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ); về thơ có Trường ca chân đất (Thanh Thảo), Màu tự do của đất (Trần Quang Quý) và Giờ thứ 25 (Phạm Đương). Giải Lý luận - phê bình thuộc về Văn Chinh với tác phẩm Đa cực và điểm đến.
![]() Cuốn sách dịch xuất bản với nhiều lỗi dịch thuật buộc phải dừng phát hành. |
Hỗn loạn xuất bản
Thay vì phải in những cuốn sách lý luận - phê bình văn học vốn rất kén khách, nhiều NXB đua nhau in những cuốn sách được cho là “hot” để kiếm lời. Vì thế, một số NXB chỉ bán giấy phép, phó mặc nội dung tác phẩm cho bên liên kết. Đấy là nguyên nhân chính làm cho thị trường sách văn chương thời gian gần đây trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn như cuốn Bản đồ và vùng đất do NXB Văn học và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản. Vừa mới chào đời, bạn đọc đã phát hiện ra vô số lỗi dịch thuật, buộc Công ty Nhã Nam phải “dừng việc phát hành cuốn sách để tiến hành kiểm định chất lượng bản dịch một cách toàn bộ”. Trước đấy, các cuốn sách khác như: Sợi xích (Lê Kiều Như), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Nguyễn Đình Thi - Bí mật cuộc đời (Công ty CP Truyền thông Nguyễn Đình Thi), Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn do Phạm Trọng Điềm dịch... cũng đã bị thu hồi.
Tuy nhiên, sau quyết định thu hồi và phạt hành chính của cơ quan quản lý, những quyển sách trên như được “hâm nóng” lên khiến nhiều người ra công lùng sục. Vậy là các tay đầu nậu sách tha hồ mà nối bản. Nhiều cuốn sau khi có lệnh thu hồi vẫn bày bán tràn lan trên các vỉa hè ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Phải chăng với quyết định thu hồi, cơ quan quản lý cũng như NXB vô tình đang quảng bá (PR) không công cho những cuốn sách ấy, khiến nhiều cuốn sách hay bị chết yểu trong sự lãng quên và những cuốn sách dở cứ tiếp tục được in ra?
Thiết nghĩ, ấn phẩm văn hóa tuy cũng là một loại hàng hóa, nhưng có những đặc thù riêng, không giống với các loại hàng hóa tiêu dùng khác, nên nó cần có cách ứng xử riêng mang tính đặc thù. Thiết nghĩ, đối với một số hàng hóa tiêu dùng, không nhất thiết phải áp dụng khâu “tiền kiểm” rồi mới cho sản xuất. Ngược lại, hàng hóa văn hóa lại rất cần áp dụng nghiêm ngặt hơn nữa khâu “tiền kiểm”. Tiếc thay, khâu này dường như thời gian qua các nhà quản lý xuất bản đã buông lỏng, để cho nó rơi tự do (!?)
Trồi sụt lý luận - phê bình
Xét về đội ngũ các nhà văn làm lý luận - phê bình, theo một thống kê đăng trên báo Văn nghệ (1), 5 năm (2006- 2010), trong khoảng 300 người tham gia viết phê bình, có khoảng 39 nhà phê bình chuyên nghiệp, chiếm khoảng 13%. Người ít nhất có 1 bài, người nhiều nhất có tới 18 bài in trên tờ báo này. Cũng trong tổng số 300 người ấy có tới 170 người vừa sáng tác, vừa phê bình, chiếm khoảng 56,7%.
Nếu như đấy là những con số đáng tin cậy thì chỉ cần nhìn vào 13% nhà phê bình chuyên nghiệp và 43,3% người làm phê bình không phải là người sáng tác, đủ cho ta thấy một thực tế là lực lượng phê bình chuyên nghiệp hiện nay mỏng đến mức rất đáng báo động. Theo quy luật “lượng đổi, chất đổi” thì một lực lượng phê bình chuyên nghiệp ít ỏi như vậy chắc chắn chất lượng và hiệu quả phê bình không thể cao. Vì hiển nhiên chất lượng và hiệu quả phê bình chủ yếu phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp của người tham gia.
Ở một góc nhìn khác, chưa vội bàn đến nội dung các tác phẩm được trao giải, chỉ cần nhìn vào tỷ lệ giữa sáng tác và phê bình, trong 3 năm gần đây, có 18 giải thường niên cho tất cả các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, thơ, trong đó chỉ có 2 tập lý luận - phê bình, chiếm khoảng 11% tổng số giải thưởng.
Vấn đề đặt ra ở đây là nếu năm nào cũng có giải trao cho các tác phẩm lý luận - phê bình sẽ rất dễ rơi vào tình trạng cào bằng, bình quân chủ nghĩa giữa sáng tác và phê bình. Nhưng nếu nhiều năm không có giải trao cho lý luận - phê bình hoặc có cũng chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể sẽ làm nảy sinh những vấn đề khác. Hoặc là bản thân những tác phẩm, công trình lý luận - phê bình xuất bản trong thời gian vừa qua chất lượng kém, không có hoặc có rất ít tác phẩm đáng để được Hội đồng chấm giải trao thưởng. Hoặc là do thói quen kỳ thị với lý luận - phê bình, vấn đề vốn vẫn thường thấy ở một số người trong xã hội ta từ trước tới nay, trong đó có các nhà văn, đã bùng phát thành dịch, lây nhiễm đến các thành viên của Hội đồng chấm giải, tạo nên áp lực khiến họ rất ngại khi chọn xét giải thưởng cho tác phẩm lý luận - phê bình (!?). Điều ấy liệu có vô tình biến lý luận - phê bình trở thành những đứa “con ở”, kẻ chỉ biết ăn theo sáng tác, nên không cần thiết phải được quan tâm thỏa đáng?
Đôi điều kiến nghị
Để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận - phê bình văn học trong thời gian tới, trước hết, cần có phương cách ứng xử hợp lý hơn nữa đối với hoạt động này.
Đối với các đầu sách lý luận - phê bình văn học, HNVVN và HĐLLPBV HNTTW cần quan tâm nhiều hơn nữa, hỗ trợ một phần hay toàn phần tiền giấy và công in... để các nhà lý luận - phê bình có thêm cơ hội công bố tác phẩm của mình thay vì chính họ vừa phải lo viết tác phẩm, lại vừa phải lo chạy tiền để in.
Các báo, tạp chí cần mạnh dạn hơn cho đăng tải các bài lý luận - phê bình về những tác phẩm bị dư luận lên án và cơ quan quản lý thổi còi. Dành đất trên mặt báo, tạp chí cho các cuộc trao đổi, tranh luận về những tác phẩm được coi là “có vấn đề” để làm sáng tỏ cái đúng, cái sai, cái đẹp và cái chưa đẹp, những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm để công chúng khỏi hoang mang, ngơ ngác khi chọn lựa sách văn chương để đọc.
.................
(1) Báo Văn nghệ, số 12 ra ngày 23/3/2013.
Huyền Vân