Sau ngần ấy năm học và 5 năm dạy, cảm nhận của tôi về giáo dục Pháp thế nào? Để trả lời câu hỏi ấy, phải đặt vấn đề vào bối cảnh lịch sử - chính trị - văn hóa dưới hai góc độ: hiện đại hóa và tiếp biến văn hóa. Hiện đại hóa (modernization) là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các nước Đông Á từ giữa thế kỷ 19 nếu muốn giữ được độc lập. Đối với phương Tây, chữ hiện đại hóa có nội dung khác nhau tùy theo từng thời điểm. Đối với các nước Đông Á, hiện đại hóa có nghĩa là Tây phương hóa (Westernization), nghĩa là cách tân theo phương Tây. Nhật Bản tự canh tân và thành công trong hiện đại hóa. Tự Đức không chịu canh tân nên bị thực dân chiếm và bắt đầu hiện đại hóa đất nước. Trong công cuộc này, Pháp phải xóa bỏ văn hóa cổ truyền người Việt. Cuộc xung đột này diễn ra trong quá trình tiếp biến văn hóa.
Tiếp biến văn hóa là một khái niệm được nhấn mạnh (acculturation). Đó là sự gặp gỡ giữa hai hay nhiều nền văn hóa, sự tương tác lẫn nhau, tiếp thu và biến đổi các giá trị văn hóa của mỗi bên. Vậy trong thời kỳ thuộc địa, tiếp biến văn hóa diễn ra như thế nào?
Vấn đề này và vấn đề hiện đại hóa văn hóa Việt của người Pháp thể hiện rõ trong lĩnh vực giáo dục, vì như L.Archimbaud - Quốc vụ khanh thuộc địa Pháp vào những năm 1920 đã tuyên bố: “Giáo dục là cột trụ của mọi chính sách thuộc địa”. Toàn quyền Pasquier tuyên bố không úp mở: “Dĩ nhiên những lợi tức của Đông Dương thuộc về người Pháp” (1930). Trên tinh thần đó, nền giáo dục của Pháp ở ta mang tính chất thực dân, cốt để phục vụ chính quyền Pháp. Giáo dục nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và dân trí để phục vụ Pháp tốt hơn. Khai hóa là tính tích cực của giáo dục thực dân, nhưng “yếu tố khai hóa” này không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện thực hiện, là sự khai thác kinh tế. Mục tiêu giáo dục Pháp là đào tạo những nhân viên “bản xứ” các cấp để phục vụ chính sách thuộc địa, đồng thời lấy lòng dân, tránh sự nổi dậy. Thống đốc Nam Kỳ Cognacq năm 1923 nói với Nguyễn An Ninh: “Không cần phải có hạng người trí thức trong xứ này!”. Dĩ nhiên, cũng có một số chính khách và trí thức Pháp ở Việt Nam thực sự dân chủ. Hệ thống giáo dục thời Pháp mò mẫm từ đầu thế kỷ 20 với Toàn quyền Paul Beau, hoàn chỉnh vào những năm 1920 - 1930 với Toàn quyền Albert Sarraut. Nó mang tính hiện đại vì nó đi ngược lại giáo dục Nho học cổ truyền. Nó mang tính thực dân vì những lý do kể trên. Do hai yếu tố gốc ấy, nó có những đặc điểm sau đây dưới chiêu bài hiện đại:
1 - Xây dựng tâm lý chấp nhận Pháp đô hộ, loại trừ tư tưởng độc lập dân tộc. Điển hình về mặt này là bộ Quốc văn giáo khoa thư cho bậc tiểu học, được phát hành rộng rãi (riêng năm 1925 đã phát hành 8 vạn bản cho lớp 1 - đồng ấu). Ngoài những bài về kiến thức phổ thông (vệ sinh, khoa học kỹ thuật không có trong Nho học) và luân lý có những bài ca ngợi công ơn Pháp. Có một số bài về lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam chỉ dạy hết cấp 2, cấp 3 (tú tài) phải học lịch sử Pháp.
2 - Về ngôn ngữ, bỏ chữ Hán, dùng tiếng Việt (quốc ngữ) chỉ cho 3 lớp đầu cấp 1, tiếng Pháp thì 3 lớp cuối cấp 1 cho đến đại học. Giáo dục đã mất gốc ngôn ngữ dân tộc.
3 - Mục đích giáo dục là đào tạo công chức và kỹ thuật viên các cấp, không phải để đào tạo nghiên cứu sâu. Toàn quyền Paul Beau chỉ thị về Trường đại học Y: “Trường này không phải là một trung tâm nghiên cứu khoa học cao cấp mà chỉ là nơi đào tạo nghề nghiệp”. Do tinh thần ấy, các trường đại học chỉ dạy khoa học ứng dụng, không phải là trung tâm nghiên cứu, khác hẳn hệ thống đại học Anh ở Ấn Độ.
4 - Giáo dục không nhằm đại chúng, chỉ phát triển tương đối ở thị thành. So với 20 triệu dân thì số trường và số trò ít quá! Cho đến đảo chính Nhật 9/3/1945, giáo dục Pháp Việt ấy đã đạt được mục tiêu do chính quyền thực dân Pháp đề ra, đồng thời đã đóng góp nhiều yếu tố văn hóa kinh tế hiện đại với cả cái tốt và cái xấu.
Nhiều cái tích cực, tốt, lại không do ý muốn của Pháp thực dân, có khi ngược lại, do quá trình vận động của tiếp biến văn hóa. Hiện đại hóa Việt Nam, mới đầu do Pháp áp đặt, sau trở thành tự nguyện và thành con đường cứu nước. Giáo dục (văn hóa) mà phương Tây áp đặt vào các bộ lạc châu Phi có khả năng Tây hóa hoàn toàn các bộ lạc đó. Vào Việt Nam, nó phải đối đầu với một cái gốc văn hóa có truyền thống 3 nghìn năm: Ta có cái cưỡng lại để bảo tồn, có cái tiếp thu biến cải để tạo ra những giá trị mới…
(Còn nữa)
Hữu Ngọc