Một thoáng Phù Tang

29-09-2013 08:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Một buổi sớm, dạo chơi ở một vườn hoa tại Tokyo, tôi thấy một đoàn người chạy thể dục, vừa chạy vừa hô qlấy nhịp. Tiếng hô rắn đanh, âm sắc, âm lượng dữ dội. Một lát sau, đi qua khu nhà ở, tôi nghe vọng ra qua cát-xét một giọng hát Nhật êm như nhung, âm hưởng não nùng.

Một buổi sớm, dạo chơi ở một vườn hoa tại Tokyo, tôi thấy một đoàn người chạy thể dục, vừa chạy vừa hô qlấy nhịp. Tiếng hô rắn đanh, âm sắc, âm lượng dữ dội. Một lát sau, đi qua khu nhà ở, tôi nghe vọng ra qua cát-xét một giọng hát Nhật êm như nhung, âm hưởng não nùng. Một buổi tối, trong buồng khách sạn Nhật, tôi ngồi uống trà và xem tivi. Trà để trong một gói xinh, pha nước sôi thành màu lục nhạt, trong suốt, nhấp vào có cảm giác thanh tịnh. Bỗng nhìn lên màn ảnh nhỏ, thật kinh khủng: cảnh phim kiếm hiệp, cái đầu lâu bị chém, máu nhỏ từng giọt, từng giọt.

Có lần, sau cuộc họp quốc tế về văn hóa châu Á ở một khách sạn dưới chân núi Phú Sĩ, các thành viên Nhật diễn một vở truyền thống kabuki (gần như vở cải lương của mình). Trong vở diễn có các nhân vật võ sĩ, hảo hán, lục lâm, nhà buôn, kỹ nữ. Bà lão gọi chồng bằng tiếng Anh "my darling!" (mình ơi!). Cuối vở, bà cởi dần quần áo theo kiểu thoát y vũ, bỏ tóc và ngực giả ra, hiện nguyên hình ông chủ tịch vừa điều khiển hội nghị vốn rất nghiêm túc. Các diễn viên đều mặc lại y phục hiện đại. Hiện đại tương phản với cổ truyền rất rõ nét. Những cảnh trên đây cùng nhiều hiện tượng văn hóa khác gây cho tôi cảm tưởng mạnh mẽ và những cạnh khía tương phản, đối lập gay gắt trong văn hóa Nhật. Người Nhật có thể thưởng thức cái đẹp mong manh của hoa anh đào và ánh thép lạnh ngắt của thanh bảo kiếm. Vậy thì cơ bản văn hóa Nhật là gì? Là tính cách nghiêm túc đến khắt khe của màu sắc Khổng học chăng? Hay là tính cách duyên dáng tế nhị, phóng túng lãng mạn, màu sắc của Lão học?

Nhà văn Mishima đề cao truyền thống nam nhi quyết liệt, còn Kawabata lại tìm bản chất văn hóa Nhật trong nghệ thuật tế nhị, nữ tính. Trong nghệ thuật, sự cân bằng lại thể hiện trong sự tương phản.

Thật là nghịch lý! Thường thì phải tìm sự cân bằng qua đối xứng (symmetry) nhưng Nhật Bản lại tìm cân bằng qua sự không đối xứng, nhất là sử dụng khoảng trống (trong bức tranh, đó là khoảng bỏ trống gọi là Yôhaku (dư bạch), không tìm cách đối lập khối phải, khối trái, mà đối lập khoảng bỏ trắng với toàn bộ khối được vẽ. Điều này áp dụng cho nhiều nghệ thuật khác: bày thức ăn trên đĩa, hình dáng bát đĩa, làm vườn, cây cảnh, kiến trúc (bố trí ánh sáng, bóng tối trong nội thất)...

Khoảng trống và thầm lặng thể hiện khái niệm Mu (= vô): hư vô, hư không, gợi cái sắc sắc không không của cuộc đời phù du (ảnh hưởng Phật, Lão). Theo V. Deoidé, giáo sư toán học Nam Tư, văn hóa và triết học phương Tây dựa vào cái hiện thực đang tồn tại và rõ ràng. Vì thế, cái không tồn tại rõ ràng bị coi là thiếu sót. Phương Đông, trái lại, nghiêng về hư vô với những khả năng tiềm ẩn của nó, khẳng định chứ không phủ định. Đó là sự đối lập giữa văn minh cổ Hy Lạp và văn minh cổ Ấn Độ. Theo quan niệm ấy, cái vô của Nhật thấm nhuần tâm hồn và văn hoá (khoảng trống trong tranh, ý nghĩa sự lặng im, cái không nói ra, sức mạnh mềm dẻo của võ Juđo...).

Nhưng xét toàn bộ thì các yếu tố đối lập lại bổ sung và hòa hợp với nhau để tạo nên một nền văn hóa Nhật mà nét chung nhất là cái duyên dáng tế nhị thầm kín bên trong hơn là cái tráng lệ bên ngoài.

Văn hóa vật chất và tinh thần Nhật là sản phẩm tuyệt vời của hơn trăm triệu người sống trên những hòn đảo nghèo nàn, khuất nẻo, chỉ có 6 vạn cây số vuông sử dụng được. Vậy mà người Nhật đã xây dựng được một cường quốc từ nước phong kiến lạc hậu, lại vươn lên hàng đầu thế giới, sau khi thua trận, mất hết trong Thế chiến II. Có nhiều thuyết giải thích tính độc đáo Nhật Bản bằng những yếu tố địa lý, xã hội, lịch sử, chủng tộc, văn hóa, kinh tế..., nhưng khi đi tìm một sự giải thích thật khách quan khó tránh suy luận chủ quan...

Có thuyết coi địa lý là nhân tố quyết định. Vị trí đảo xưa kia cô lập, tách rời lục địa khiến Nhật ít bị ngoại xâm, thuận lợi cho việc hình thành một dân tộc thuần nhất, nhưng lại ngăn cản ảnh hưởng thâm nhập tiệm tiến của văn hóa bên ngoài. Khí hậu ôn đới thuận lợi cho "văn minh hóa" hơn các vùng khí hậu quá nóng quá lạnh. Đồng thời, thiên nhiên khắc nghiệt (núi lửa, sóng thần, động đất) và sự hiếm đất trồng trọt lúc nào cũng tồn tại trong cộng đồng mối lo thiếu an toàn, do đó, nếp sống giản dị, khắc khổ, đề cao tập thể từ gia đình đến quốc gia để cùng tồn tại. Mặt khác, thiên nhiên hùng vĩ và xinh tươi nhập vào đời sống (nhà ở, hội hè, cắm hoa, trà đạo...), tín ngưỡng, thẩm mỹ.

Địa lý (nhiều đảo) tạo ra một lịch sử khi đóng, khi mở. Có thời, mở cửa ào ạt, ảnh hưởng từ phía Tây (Trung Quốc), có thời là văn minh phương Tây (Mỹ, Âu) tràn vào. Có thời đóng cửa (300 năm với Trung Quốc), 200 năm với châu Âu. Có thuyết cho là bí quyết thành công và đặc điểm Nhật là yếu tố thần đạo. Có ý kiến cho là Nhật phục hồi nhanh sau Thế chiến II là do những giá trị Khổng học. Ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc, đặc biệt là Thiền tông, thấm nhuần đẳng cấp võ sĩ, tông phái Tịnh Độ A-di-đà phổ biến trong nhân dân. Ngày nay, văn hóa Nhật ngày càng mang sắc thái công nghiệp, kỹ thuật hóa của xã hội tiêu thụ kiểu phương Tây và quốc tế hóa trong khung cảnh toàn cầu hóa và còn diễn biến tiếp ở thế kỷ 21, ta hãy chờ...

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn