Dịp ấy lại có lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du. Dự định của lãnh đạo Ty là sẽ phải có những bài viết thật trang trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn tiên sinh. Họ lập hẳn một ban làm báo Tết và một hội đồng duyệt hẳn hoi.
Bài thứ hai có tên Kính gửi Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ai trong cơ quan cũng biết Nguyễn Bính coi Nguyễn Du là thần tượng số một. Nguyễn Bính thuộc Truyện Kiều làu làu. Ông viết xong bài thơ cứ úp úp mở mở khoe với anh em trong cơ quan, nhưng lại không cho ai đọc trước, muốn gây bất ngờ ở “phút 89”. Hôm đọc duyệt, ông Trưởng ty Chu Văn, Chủ tịch hội đồng, cứ nhướng nhướng đôi mục kỉnh về phía Nguyễn Bính, rồi nói:
- Nghe anh em xì xào rằng anh Bính có bài thơ về Nguyễn Du hay lắm, mời anh đọc lên cho hội đồng cùng nghe!
Nguyễn Bính cầm trang bản thảo viết tay rất kĩ lưỡng, những dòng chữ đều đặn, ngay ngắn, không dập xóa, đứng lên đọc:
Khác với âm hưởng rộn ràng vui tươi trong Bài ca quê hương, bài Kính tặng Nguyễn Du và Truyện Kiều hay thì hay thật, hay đến độ cả hội đồng lặng đi một lát, nhưng cảm hứng chủ đạo toàn bài có gì đó như vận vào số phận long đong, ghềnh thác của Nguyễn Bính.
Một thành viên trong hội đồng nói:
- Có mấy câu sai sái anh Bính ạ.
Nguyễn Bính đã ngồi xuống lại đứng lên phẩy tay một cái:
- Các ông đừng duy tâm quá. Thơ hay là được. Tôi chính thức nộp bài này cho báo Tết. Một câu một chữ không được sửa!
Mọi người nhìn nhau đắn đo, suy tính. Đăng thì hơi ngần ngại, nhưng bỏ thì tiếc. Cuối cùng thì quyết định đăng. Cũng là muốn có thêm mấy đồng nhuận bút để Nguyễn Bính tiêu Tết nữa. Lúc nào Nguyễn Bính cũng thiếu tiền.
Tập san Tết ra được ít ngày, Nguyễn Bính chưa hết bồi hồi sung sướng vì bài thơ tâm huyết được đăng thì ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Có lẽ cái khoảnh khắc con tim ông bắt đầu ngừng đập, vong hồn cụ Nguyễn Tiên Điền đã về đón ông thật nên đã “linh báo” khiến ông thốt ra lời thơ “Tưởng người nên lại thấy người về đây”? Cái buổi sáng người ta đưa ông ra đồng cũng hệt như khung cảnh “Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”. Và bài thơ Kính gửi Nguyễn Du và Truyện Kiều đã trở thành “Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau” đúng như trong bài thơ ông viết.
Lê Hoài Nam