Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ và những dịch vụ đa phương tiện, những lá thư viết bằng tay đã trở nên quá xa xăm. Người thời nay liên lạc qua email, tin nhắn… mấy ai còn cặm cụi ngồi biên thư tay. Trong chương trình, nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ chia sẻ ký ức về những lá thư đặc biệt trong hơn 300 bức thư đã được anh tập hợp và biên soạn trong cuốn “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha kể, trong thời chiến, ai cũng là một người quân bưu. Lính thả thư ở ga nhờ người dân chuyển đi, có những người quân bưu hy sinh trên đường giao liên, sẽ có người khác lại vác giỏ thư ấy đi tiếp. Một người ở chiến trường nhận được thư, niềm vui sẽ được nhân lên theo cấp… tiểu đoàn. Thư tình được đọc ở dưới chiến hào. Mỗi lá thư tình là phao cứu sinh, là niềm hy vọng cho mỗi người lính.
Nhạc sĩ cũng chia sẻ câu chuyện riêng tư về mối tình đầu rất đẹp thời đi học ở Hải Phòng. Ông lưu giữ không sót một lá thư nào mà người yêu viết gửi vào mặt trận. Đó là tình cảm chân thành, sự quyết tâm chờ đợi ngày chiến thắng trở về đoàn viên của một người con gái có người yêu đang đối diện với sinh tử. Mối tình đầu của ông về sau đi lấy chồng vì nhận tin ông hy sinh ở Quảng Trị năm 1973. Điều đặc biệt là người vợ của nhạc sĩ không bao giờ ghen tuông mà còn cất giữ, bảo quản cẩn thận những lá thư tình đó. Nhạc sĩ luôn cảm ơn cuộc đời đã cho mình tình đầu tuyệt đẹp và tình cuối sắt son để làm thơ, làm nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha
Chung ký ức về những lá thư thời chiến, nhà báo Phùng Huy Thịnh, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể câu chuyện riêng tư của mình về những bức thư được lưu giữ cẩn thận nơi chiến trường, người có thể ướt chứ thư thì không thể ướt. Thư cũng chính là thứ giúp tìm lại người thân, người nhà khi hy sinh... Có khi thư tới thì người đã mất. Trong khi đó, nhà thơ Hữu Việt kể về quãng thời gian sống xa nhà, đi học tại nước Nga. Những bức thư gửi về cho gia đình cũng chính là nhật ký cuộc sống du học sinh đầy bỡ ngỡ và có biết bao điều muốn kể.
NSƯT Minh Vượng lại đem đến những câu chuyện vui. Chẳng hạn, thời xa xưa ấy có những đôi vợ chồng hoặc người yêu xa cách viết thư xong thường đề thêm vào ngoài phong bì hàng chữ rất nắn nót năn nỉ: “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu tá kia chắc đọc mãi mấy câu ấy cũng chán, cũng bực mình, bèn phăng thêm vào dưới: “Thư này ông đếch chuyển ngay/Để xem tình cảm chúng mày ra sao”.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải
Ngoài ra, các nghệ sĩ, khách mời gồm nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà báo Phùng Huy Thịnh, nhà thơ Hữu Việt, NSƯT Minh Vượng, nhạc sĩ Trương Quý Hải, MC - diễn viên Đan Lê, ca sĩ Tùng Dương… còn chia sẻ nhiều điều bí mật, hấp dẫn liên quan đến thư tay trong “Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ”. Chương trình còn đem đến cho khán giả nhiều ca khúc nổi tiếng: Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh); Gửi em ở cuối sông Hồng (thơ Dương Soái, nhạc: Thuận Yến); Thư về với mẹ (Trương Quý Hải); Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn - Từ Linh); Mẹ tôi (Trần Tiến); Bồ câu không đưa thư (Nguyễn Văn Hiên); Gửi anh xa nhớ (Tiên Cokkie); Liên khúc Mối tình đầu - Bức thư tình đầu tiên (Thế Duy- Đỗ Bảo)…
ca sĩ Tùng Dương
Theo nhà báo Diễm Quỳnh, đại diện sản xuất chương trình, “Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ” sẽ là một hành trình đầy cảm xúc về những lá thư tay trải dài theo lịch sử, chở theo bao nhiêu thương nhớ từ cả người nhận lẫn người gửi.