Một thành quả rất đáng trân trọng

21-08-2016 4:24 PM | Y tế

SKĐS - Khi còn học chuyên khoa da liễu năm 1977, tôi đã biết có bộ phận chỉ đạo tuyến. Bộ phận này được thành lập từ khi còn là Khoa Da liễu thuộc Bệnh viện Bạch Mai mà BS. Lê Kinh Duệ là Trưởng khoa.

Khi còn học chuyên khoa da liễu năm 1977, tôi đã biết có bộ phận chỉ đạo tuyến. Bộ phận này được thành lập từ khi còn là Khoa Da liễu thuộc Bệnh viện Bạch Mai mà BS. Lê Kinh Duệ là Trưởng khoa. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, với cương vị là chuyên gia đầu ngành da liễu, GS. Lê Kinh Duệ đã lập ra bộ phận này mà sau này trở thành phòng Chỉ đạo chuyên khoa và tầm hoạt động toàn quốc. Ban đầu không có nhiều việc lắm nên nhiều đồng nghiệp đặt cho cái tên là “Phòng chỉ để ngồi”, vì vậy mới có nickname của địa chỉ email là “chidengoi@yahoo.com”! Tôi biết các cán bộ đầu tiên làm việc này, đó là BSCKII Nguyễn Quốc Ân, ông đã nghỉ hưu khá lâu rồi. Sau này là BS. Tạ Thị Bích Cầu - Trưởng phòng khi tôi bắt đầu về Viện làm việc vào năm 1984. Sau khi BS. Cầu đi chuyên gia ở Angola, TS. Đỗ Văn Thành lên làm thay. Khi TS. Thành nghỉ, tôi là người kế nhiệm. Trong quãng thời gian này, nhiệm vụ chủ yếu của phòng là tập trung vào công tác chống bệnh phong - một bệnh xã hội có từ lâu đời, ảnh hưởng nặng nề đến bệnh nhân, gia đình của họ và cả xã hội.

Khám cho bệnh nhân phong tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng.

Trước đây, bệnh nhân phong khi được y tế phát hiện đều phải vào điều trị và sống cả đời trong các trại phong. Miền Bắc có các trại phong từ rất lâu đời: Quả Cảm, Văn Môn, Phú Bình, Ba Sao, Quỳnh Lập… Miền Nam cũng có các trại lớn thành lập từ thời Pháp thuộc: Quy Hòa, Bến Sắn, Đăk Kia… GS. Lê Kinh Duệ - người có tâm huyết và công lao to lớn khi kết nối với các tổ chức quốc tế chống phong như ILEP, WHO, Hội chống phong Sasakawa Nhật Bản để có nguồn viện trợ nhân đạo khi nước ta vẫn bị cấm vận. Thuốc men, máy móc, dụng cụ y tế, cả phương tiện đi lại như xe máy, ôtô mà thời đó vô cùng quý. Nhưng điều quan trọng hơn hết mà GS. Lê Kinh Duệ đã mang lại cho ngành Y tế, cho bệnh nhân phong là quan niệm mới, hiểu biết mới về bệnh. Bệnh phong không phải tứ chứng nan y nữa, mà bệnh phong đã chữa khỏi được bằng các thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới viện trợ miễn phí hoàn toàn, bệnh phong là bệnh lây, nhưng ít lây và khó lây. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn chiến lược, việc điều trị và nơi điều trị bệnh phong. Đó là bệnh nhân phong được chữa tại nhà, không phải cách ly như trước nữa. GS. Duệ viết cuốn diễn ca về bệnh phong, trong đó có câu: “Bệnh phong nay chữa được rồi/ Người bệnh nay đã đổi đời từ đây”. Đúng vậy, như Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, ông là bệnh nhân phong, bị tàn tật do di chứng của bệnh phong, nhưng với những cống hiến cho ngành giáo dục và cho xã hội đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý đó. Ông tham gia nhiều hội nghị trong và ngoài nước về các lĩnh vực giáo dục, xã hội. Cho đến nay, đã 80 tuổi, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động thuộc các lĩnh vực này.

Công tác chỉ đạo tuyến mở rộng dần, từ chống phong, sau đó là các bệnh hoa liễu và các bệnh da thông thường. Công việc của phòng rất nhiều trong những năm cuối 1980, đặc biệt phát triển từ năm 1995 khi Chương trình phong được Chính phủ cho là Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống bệnh phong. Từ đó, Chương trình được phát triển rộng khắp toàn quốc với mục tiêu loại trừ bệnh phong cấp tỉnh/thành phố vào năm 2015 đạt 100%.

Các mục tiêu của Phòng cho đến nay đã đạt được. Năm 2015, tất cả các tỉnh thành đều đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong (63/63 tỉnh thành). Bây giờ, việc phát hiện được một bệnh nhân phong mới là rất khó vì ngành da liễu đã thực hiện được các nhiệm vụ chiến lược - giáo dục sức khỏe cho cộng đồng có hiểu biết đúng đắn về bệnh để họ tự phát hiện khi có triệu chứng bệnh hoặc phát hiện bệnh cho người sống cùng. Bệnh nhân phong không bị xa lánh, hắt hủi, cách ly như trước nữa. Đây là một thành quả rất đáng trân trọng mà GS. Lê Kinh Duệ cùng các đồng nghiệp trong phòng chỉ đạo ngành, trong toàn quốc đã đạt được.


PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH