Hà Nội

Một tháng nữa sẽ mổ tách rời cặp song sinh Bình Phước

06-09-2016 15:32 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mới đây, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) Phạm Ngọc Thạch cho biết, khoảng 1 tháng nữa, khi tình hình sức khỏe của 2 bé gái người S’tiêng ổn định hơn và các y, bác sĩ có thời gian chuẩn bị tốt nhất, phía bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật tách rời.

Được biết, cặp song sinh dính liền người S’tiêng sinh vào ngày 24/7 tại bệnh viện Đa khoa Lộc Ninh, Bình Phước. Lúc chào đời, 2 bé nặng 3,4 kg, các bộ phận đều bình thường nhưng lại bị dính nhau phần mông và được chuyển vào BV Nhi đồng 2.

Thời điểm bé được 8 ngày tuổi, trong giai đoạn sụt cân sinh lý nên vẫn giữ nguyên cân nặng. Trong 2 bé thì có 1 bé khá hồng hào, tình trạng sức khỏe khá tốt, bé gái còn lại yếu hơn, lại bị khiếm khuyết 5 – 6 xương sườn và trật khớp háng (do chật chội lúc trong bụng mẹ). Vì sinh non (thai được 33 tuần) nên hiện 2 bé vẫn chưa có phản xạ bú, mỗi ngày các bác sĩ phải bơm 8 lần sữa, mỗi lần 20 ml. Các bé cũng được bác sĩ cho xoay trở 6 tiếng/lần để tránh bị loét da do nằm yên 1 chỗ. Nhìn bề ngoài 2 bé dính nhau phần mông, còn chính xác thì dính nhau ở vùng xương cùng cụt.

Cặp song sinh dính liền sẽ được mổ tách rời.

Cả 2 bé không có hậu môn nên bác sĩ phải đặt 2 ống dò qua 2 tầng sinh môn rồi bơm nước vào để đẩy phân ra ngoài, nhưng cách này cũng khiến các bé dễ bị viêm ruột. Ngoài ra, 2 bé có thể bị rối loạn về vấn đề đi vệ sinh (không tự chủ được), dẫn tới nguy cơ não úng thủy (tình trạng dịch não tủy dư tích tụ trong não thất). “Bệnh nhi sẽ được phẫu thuật dưới kính vi phẫu và có ít nhất 12 y bác sĩ ở 4 khoa của Bệnh viện tham gia kíp mổ” – bác sĩ Thạch, Phó GĐ BV Nhi đồng 2 cho biết.

Bác sĩ Thach nói, cột sống của 2 bệnh nhi nhìn có vẻ tách riêng nhưng thực chất màng bao cứng vùng xương cùng cụt dính với nhau nên khi phẫu thuật tách rời có nguy cơ bị hở tủy sống, bị viêm nhiễm rất cao. Đánh giá về ca phẫu thuật, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhận định sẽ rất phức tạp. Để tránh nguy cơ thiếu da, trước phẫu thuật khoảng 6 tuần, bác sĩ sẽ đặt túi giãn dưới da cho các bệnh nhi. Mỗi tuần bơm cho da phồng lên, và sau một thời gian, sẽ đủ diện tích da để phủ lên vùng phẫu thuật. Tính tới thời điểm hiện tại, cách đặt túi giãn da là tối ưu nhất. Nhưng cách này, các bác sĩ phải rạch da các bé nên dễ bị nhiễm trùng.

Hiện tại, hai bé có cân nặng 2,6kg, được nuôi qua đường tĩnh mạch và bơm sữa qua ống thông dạ dày, thụt tháo phân mỗi ngày. Tuy nhiên, do hai bé đang điều trị viêm phổi nên chưa thể phẫu thuật tách rời ngay được. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết dự kiến phải một tháng nữa mới có thể phẫu thuật được.


Nguyễn Tùng
Ý kiến của bạn