Một tay vẫn là “cây đàn” tài hoa

05-02-2012 08:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

Giới nghệ sĩ Sài Gòn phong anh là “quái kiệt” vì các ngón đàn. Trong những người được phong như vậy, anh là người ít tuổi nhất. Anh là Nguyễn Thế Vinh.

Giới nghệ sĩ Sài Gòn phong anh là “quái kiệt” vì các ngón đàn. Trong những người được phong như vậy, anh là người ít tuổi nhất. Anh là Nguyễn Thế Vinh. Tuy chỉ có một tay nhưng anh có thể hòa tấu guitar và harmonica một cách nhuần nhuyễn. Ít ai biết, để có thể điều chỉnh từng nốt nhạc trên cung đàn, anh đã mất hơn ba năm ròng đau đáu quyết tâm luyện tập với chỉ một cánh tay. Và anh đã tìm ra được cách chơi riêng của mình.

“Cây đàn” một tay

Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, ở làng quê nghèo Bắc Bình, Bình Thuận quanh năm bỏng rát cát trắng. Cha mất vì bom đạn chiến tranh khi Vinh lên bốn. Mẹ anh quá đau buồn cũng mất sau đó 3 năm, bỏ lại 4 đứa con thơ dại. Bà ngoại mang các cháu về cưu mang. Mấy anh em quyết chí làm lụng nuôi nhau và đỡ đần bà, vượt qua định mệnh. Chẳng may, người anh của Vinh bị bệnh rồi chết sớm. Vinh ngày ngày làm lụng, chăn bò cắt cỏ, rồi cũng bị ngã gãy tay phải từ trên lưng bò. Do bị nhiễm trùng nên cánh tay phải cưa cụt không thể cứu được. Tuổi thơ nối dài những mất mát đau khổ đó, nhiều người tưởng anh em Vinh sẽ phải sống trong cảnh mù chữ. Nhưng rồi, Vinh đã cố gắng học viết bằng tay trái.

Khó khăn gian khổ là vậy nhưng Vinh vẫn cố gắng khắc phục những trở ngại từ sự khiếm khuyết của cơ thể để học tập. Tốt nghiệp PTTH năm 1988, chàng trai nghèo tìm vào Sài Gòn kiếm việc mưu sinh. Nhờ bạn bè và những người sinh viên cùng quê động viên, giúp đỡ, củng cố thêm tinh thần và nghị lực, Vinh đã ôn luyện và một năm sau trúng tuyển Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Đỗ đại học là niềm vui lớn, nhưng buồn vì chẳng biết lấy đâu ra tiền học, sau anh đi liên hệ làm gia sư rồi sửa chữa xe đạp thuê, rồi không ngại kiêm luôn việc giữ xe ở khu Ký túc xá Trần Hưng Đạo, gồng gánh luôn người em từ quê vào.
 
Vinh cố gắng học giỏi để có học bổng. Có năm Vinh phải bảo lưu kết quả học tập, đi dạy kèm kiếm tiền, nuôi chí học tiếp. Cuối cùng, khó khăn cũng phải tháo lui trước chàng trai giàu nghị lực. Rồi anh đến với âm nhạc. Nói về niềm đam mê âm nhạc, Nguyễn Thế Vinh tâm sự rằng, ngày anh còn học lớp 6, một người thân có đem về quê một cây đàn và để lại đó. Cây đàn đã “quyến rũ” cậu bé, rồi cậu tìm cách chinh phục cây đàn, bắt nó phải phát ra âm thanh. Không làm được như người bình thường thì Vinh thử nghiệm bằng nhiều cách: cột phím, cột chân nhang vào mỏm tay bị cụt hoặc dùng chân gảy đàn. Tuy nhiên, mọi cố gắng đều thất bại. Vinh rất buồn nản về sự vô dụng của mình.
 
Trong lúc tuyệt vọng lại nảy ra ý hay: cậu lật ngửa mặt đàn lên, dùng các ngón giữa, áp út và ngón út để bấm nốt còn ngón trỏ để gảy. Vinh vẫn chưa thật bằng lòng với kiểu bấm nốt này, cậu tập bấm hợp âm. Để bấm thành thục một hợp âm, Vinh phải tập đi tập lại hàng tháng trời. Niềm đam mê cộng với sự kiên trì khổ luyện trong rất nhiều năm tháng đã giúp Vinh chinh phục được cây đàn guitar. Khi chinh phục được rồi cũng là lúc anh cảm thấy mình cần phải sống có ý nghĩa hơn, có cái nhìn cởi mở, nhân văn hơn với đời. Anh đến với nhạc Trịnh. Chính tình yêu nhạc Trịnh đã cho anh nghị lực sống, để đừng buồn nản trong thế giới mênh mang này.
 Nguyễn Thế Vinh trong một buổi biểu diễn nhạc Trịnh.

Thấy đời rộng mở

Bây giờ, trên đường phố Sài Gòn, người ta vẫn thấy một chàng trai nhỏ nhắn, tóc xoăn, da ngăm đen, vai đeo đàn như “bảo kiếm”, lái xe ga. Đó là Nguyễn Thế Vinh của ngày nay, bận rộn với công việc, yêu đời, hòa nhập với mọi người và thường xuyên biểu diễn nhạc Trịnh. Anh tham gia Hội quán hội ngộ năm 2004. Hội quán hội ngộ do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn đặt tên khi còn sinh thời và chính thức trở thành Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn kể từ sau ngày mất của nhạc sĩ.

Vinh coi âm nhạc là một phần cuộc sống, anh nói: “Tôi gặp nỗi buồn của mình trong nhạc Trịnh, niềm vui của tôi cũng gặp ở đó”. Có lẽ vì thế mà Vinh mê Trịnh đến nồng nàn. Khi gia nhập Hội quán rồi, anh chơi hay hơn, mỗi khi rảnh rỗi, anh ôm đàn và kèn lang thang các quán xá, nơi có những người cùng đam mê dòng nhạc trữ tình. Sau khi gia nhập Hội quán được hai tháng, lần đầu tiên anh được tham dự một chương trình lớn ở TP.HCM mang tên “Cõi tình - Trịnh Công Sơn”. Với hai nhạc phẩm Một cõi đi vềNgụ ngôn mùa đông, Nguyễn Thế Vinh đã làm ngây ngất những ai có mặt trong đêm hôm đó. Từ lúc đó, anh đã chiếm được tình cảm đặc biệt của công chúng yêu nhạc Trịnh. Nói đến nghệ thuật, anh trân trọng, học hỏi bằng tất cả lòng tự trọng của mình: “Nghệ thuật không có sự thông cảm, dù khi bị khuyết tật”. Từ suy nghĩ đó, Vinh luôn cố gắng để mọi người nhìn nhận, đánh giá và chia sẻ thực sự với tư cách là người làm nghệ thuật chứ không phải một sự thương hại.

Tuy học ngành quản trị kinh doanh nhưng Vinh lại rất mê ngành điện tử. Anh đã học lỏm được nghề sửa chữa điện tử từ một người bạn và mua sách vở học thêm. Sau đó, anh mở cửa hàng ở quận Gò Vấp để sửa chữa điện thoại di động. Công việc tuy không khiến anh trở nên giàu có nhưng cũng đủ để anh trang trải cuộc sống và có điều kiện theo nghệ thuật. Không chỉ mê chơi đàn guitar, Nguyễn Thế Vinh còn rất mê thổi kèn harmonica bởi anh nhận ra đó là một loại nhạc cụ dễ sử dụng, rất thích hợp với mình. Các nhạc phẩm mà Vinh thích diễn tấu chủ yếu là nhạc của Trịnh Công Sơn như: Cát bụi, Biển nhớ, Thương một người, Diễm xưa, Ngụ ngôn mùa đông... bởi dòng nhạc này da diết và đầy tâm trạng, phù hợp với tâm cảnh của anh. Điều đó đã khiến anh có sự nhập tâm cao độ, gắn kết bản nhạc với tâm hồn, quên đi mọi thứ xung quanh và chỉ nhập tâm với nhạc, vì thế mà thành công.

Mới đây, Vinh chuyển về Bình Dương dạy học, tối thứ 6 lại về Sài Gòn biểu diễn. Công việc ấy khiến anh vui vẻ, thấy đời rộng mở vì mình sống và làm việc có ý nghĩa. Ngoài đời, anh là người nhiệt tình, khi diễn, anh hết mình. Mỗi khi Nguyễn Thế Vinh xuất hiện trên sân khấu hay phòng trà, Hội quán..., anh đều khiến mọi người như say, như đắm, như lạc vào thế giới mộng mị huyền ảo của cuộc đời bởi tiếng guitar huyền dịu và tiếng kèn harmonica hợp tấu. Anh đã cùng những người bạn thân của mình thành lập nhóm hát gồm Hà Chương và Thủy Tiên. Cả hai đều có chút ít khiếm khuyết nhưng vẫn hát hay, đàn giỏi và ra album riêng. Bộ ba của họ không ngại đến bất cứ nơi nào trên đất nước này, mang lời ca tiếng hát đến với người khuyết tật để làm từ thiện.

Tôi biết nhiều người có nghị lực phi thường với một tấm thân tật nguyền. Với nhiều người tật nguyền khác, Nguyễn Thế Vinh còn may mắn hơn nhiều. Với những người trẻ tuổi mê nhạc Trịnh như chúng tôi, được biết một người tài hoa như Nguyễn Thế Vinh thấy rất đỗi tự hào!      

Diên Khánh


Ý kiến của bạn