Một tập sách thiếu nhi thú vị

14-09-2016 11:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có một ai đấy đã từng nói rằng tuổi thơ là cái một đi không trở lại. Vậy mà khi ta đã thành người lớn, thậm chí là cao tuổi như nhà thơ Nguyễn Thanh Kim lại phải học cách nghĩ...

Có một ai đấy đã từng nói rằng tuổi thơ là cái một đi không trở lại. Vậy mà khi ta đã thành người lớn, thậm chí là cao tuổi như nhà thơ Nguyễn Thanh Kim lại phải học cách nghĩ, cách nói hồn nhiên, ngây thơ và nhí nhảnh của con trẻ để đưa vào thơ thì khó biết chừng nào.

Nguyễn Thanh Kim không phải là người đầu tiên và duy nhất viết thơ thiếu nhi, mà trước và cùng thời với ông cũng có không ít người đã từng viết theo cách riêng của mình. Điều này chỉ cần điểm qua hai cây đại thụ thơ thiếu nhi là Võ Quảng và Phạm Hổ là chúng ta có thể hình dung được ngay. Có thể là xuất hiện sau về mặt thời gian, nhưng nhà thơ Nguyễn Thanh Kim cũng đã tạo ra cho mình được một tiếng nói riêng về mảng đề tài được coi là khá hóc búa này.

Bìa tập thơ của Nguyễn Thanh Kim.

Sự nhận thức của con trẻ chủ yếu là qua con đường trực giác, gắn liền với công việc học tập, sinh hoạt và các trò chơi của chúng hay là bắt chước những gì người lớn nói và làm mà chúng nghe hoặc thấy được, bất chấp đúng, sai, hay, dở. Nắm bắt được những đặc tính này của con trẻ nên Nguyễn Thanh Kim ít nhiều cũng gặt hái được thành công qua tập thơ thiếu nhi thứ hai của ông Chạc bảy chạc ba(*), sau tập Cánh diều, in năm 1990. Như vậy, tính đến nay nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã xuất bản khoảng 14 tập thơ. Phần lớn thơ ông tôi đã từng đọc, đặc biệt là những tập ông viết trong thời gian công tác cùng tôi tại báo Sức khỏe&Đời sống. Thơ ông nhẹ nhàng, kỹ chữ, kiệm lời. Có thể nói không thể nào tìm được bất cứ một chữ thừa nào trong thơ Nguyễn Thanh Kim. Nếu đặt vào vị trí ấy một từ khác chắc chắn câu thơ đổi ý sang nghĩa khác ngay.

Với bài thơ Chạc bảy chạc ba, cũng là tên chung cho cả tập, gồm 28 bài thơ và 7 lời bình. Những bài trong cuốn sách hoặc là gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ ở vùng quê Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa của chính nhà thơ với những trò chơi con trẻ, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Hoặc nhà thơ có ý khuyên các em phải biết đến công lao của các bậc sinh thành vì đấy là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Tôi rất thích bài Nặn tò he: Tò he xanh đỏ/ ra ngõ mà coi/ ngó ông tóc trắng/ nặn nặn bôi bôi/ Này đây răng lược/ mười ngón hiện ra/ dẻo nếp chi mà/ bông hoa xòe cánh/ Cân đai: hiển tướng/ mào gà: đỏ tươi/ nặn nặn bôi bôi/ mắt ông yên lặng/ Tròn vo bóng nắng/ giòn tan chuỗi cười/ tò he cổ tích/ ông ngồi nặn chơi. Bài thơ đã miêu tả một cách khá chính xác công việc nặn tò he để mua vui cho mọi người, chủ yếu là lứa tuổi trẻ thơ. Nhưng quan trọng hơn là nhà thơ đã chọn được đúng giọng điệu, ngôn ngữ trong việc miêu tả công việc cũng như sự lao động vất vả của ông già tóc trắng. Rốt cuộc chỉ để làm trò chơi cho con trẻ.

Trước khi tập thơ ra đời, có người từng băn khoăn rằng chạc bảy chạc ba có phải là số lượng chạc cây không? Thực ra không hẳn là thế, mà chủ yếu là cách nói của thơ, đặc biệt là thơ viết cho thiếu nhi. Dân gian có câu thành ngữ vào ba, ra bảy. Ba, bảy ở đây không hoàn toàn là đơn vị số đếm, mà chỉ là cách nói cho dễ thuộc, dễ nhớ theo đặc trưng tâm lý lứa tuổi của con trẻ giống như đồng dao: một ông, sao sáng, hai ông, sáng sao hay nu na, nu nống, đánh trống, phất cờ... Ở thể loại này, Nguyễn Thanh Kim đã khá thành công, chí ít là ở hai bài thơ Trăng của béChạc bảy chạc ba được viết dưới dạng đồng dao. Cũng cần lưu ý, đồng dao là thể loại diễn xướng dân gian dành cho trẻ em. Nên không quá câu nệ phần ca từ, mà chủ yếu là sự kết hợp giữa ca từ và trò chơi của con trẻ: Trăng thu/ sáng rỡ/ chẳng tự/ trời cao/ lao xao/gió thổi/ mát rượi/đu quay/.../nắm tai/ thỏ ngọc/ nhảy phốc/ lưng rùa/ vòng đua/chẳng dứt... (Trăng của bé).

Hay: Chạc bảy/ chạc ba/ la đà/ chim hót/ giọt nước/ lăn tròn/.../ múa xòe/ nan quạt/ gió mát/ ngoài sông/ hương đồng/ khắp ngõ/ chòm lá/ xanh reo/ ráng chiều/ rực đỏ/.../ trăng liềm/ gặt lúa/ đồi dứa/ so gươm/ cửa mở/ bốn bên/ thắp đèn/ đêm vắng/ sớm mai/ gọi nắng/ sương loãng/ trời xa....

Rõ ràng cách nghĩ, cách nói hồn nhiên như thế này chỉ có thể là của trẻ em. Chúng không quan tâm đến những cái mà người lớn quan tâm, cũng không cần biết hay dở, đúng sai làm gì cho mệt, chỉ cần dễ đọc để chơi vui là được. Thấy cái gì nói ra cái ấy sao cho vần vè. Đấy chính là đặc trưng của trò diễn xướng dân gian của con trẻ.

Nhân dịp khai trường và cũng là Rằm Tháng tám, Chạc bảy chạc ba là món quà nhỏ rất có ý nghĩa đối với các em mà nhà thơ Nguyễn Thanh Kim muốn gửi tặng.

(*) Chạc bảy chạc ba, thơ thiếu nhi của Nguyễn Thanh Kim. NXB Hội Nhà văn, 2016.


Đỗ Ngọc Yên
Ý kiến của bạn