Lão ngư Sáu Ninh, cách gọi thân mật của bà con ngư dân- tên đầy đủ là Bùi Thanh Ninh thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh là chủ doanh nghiệp Sáu Ninh, thuộc hàng lớn nhất miền Trung, quản lý tổ đội 16 tầu có công suất 6.000CV ( mã lực). Trong đó 10 chiếc do ông đứng tên sở hữu, còn lại do anh em trong tổ đội góp vốn “cổ phần”.

Ông Bùi Thanh Ninh bồi hồi trước biển.
Ông Ninh vốn sinh ra, lớn lên vùng quê biển Tam Quan Bắc, chưa đến tuổi vị thành niên, ông đã theo cha ra khơi bám biển mưu sinh và nuôi một ước mơ có một con tàu đánh cá cho riêng mình, vươn khơi xa đánh bắt những mẻ cá lớn. Năm 18 tuổi, ông đi làm nghĩa vụ quân sự, sang giúp nước bạn Campuchia. Khi giải ngũ về nhà cũng là lúc cha ông ốm nặng, ông thay cha ra khơi bằng chiếc ghe duy nhất của gia đình công suất chỉ có 10CV đánh cá loanh quanh gần bờ, không đủ sống, đã có lúc ông phải bươn trải đi buôn chuyến dài ngày, mang cá ra Bắc bán để đủ tiền nuôi cả gia đình. Năm ông 36 tuổi, vừa tích cóp, vừa vay mượn bạn bè được 30 cây vàng, ông thực hiện niềm ước mơ thời tuổi trẻ, trực tiếp đi mua gỗ, vẽ kiểu, đóng chiếc tàu đầu tiên có công suất 40CV. Cho đến nay, vợ chồng ông Ninh có 3 người con trai. Cậu cả là thạc sĩ, làm việc tại Đại học Quang Trung. Cậu thứ - cử nhân tài chính, chuyên viên ngân hàng BIDV ở tỉnh. Cậu út tốt nghiệp Học viện Hành chính TP. Hồ Chí Minh, đang học lên cao học. "Mỗi đứa một ước mơ, điều quan trọng là chúng đã trưởng thành và có ích cho xã hội", ông tự hào nói về các con của mình.
Doanh ngiệp của ông có 200 lao động, được tổ chức làm ăn quy củ, chuyên nghiệp, đánh bắt tại những ngư trường xa. Trong đất liền, doanh nghiệp của ông có 2 tổng đài đặt tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định) và TP. Nha Trang (Khánh Hòa) để chỉ huy, có người trực 24/24 giờ. Quy định mỗi ngày 3 lần, các tàu đánh bắt ngoài khơi đều lên sóng cập nhật thông tin về đất liền liên lạc, báo cáo công việc hằng ngày. Mỗi năm, trung bình các tổ đội doanh nghịêp Sáu Ninh đánh bắt trên 1.000 tấn hải sản, hầu hết đều được bán ngay trên biển.
Ông cần cù chăm chỉ cùng vợ con, anh em quyết chí làm giàu, chỉ 2 năm sau, ông đóng chiếc tàu thứ 2, thứ 3… Tàu của ông đóng chắc chắn, an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý. Vì thế, ngư dân trong vùng đều đến xưởng của ông đặt hàng. Có năm ông đóng đến 200 chiếc tàu lớn nhỏ. Ông mở thêm cả dịch vụ cung ứng nhiên liệu, thực phẩm. Nhờ nguồn thu nhập hằng ngày, lại biết tổ chức làm ăn, ông tập trung phát triển đội tàu, vươn khơi xa đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Cơ ngơi của ông hiện nay thuộc hàng đại gia giàu có bậc nhất vùng biển Bình Định, ông có cả mấy chiếc ôtô liên tục đi lại đưa đón ngư dân trong tổ đội mỗi khi tàu về. Ông suy nghĩ: "Mình có điều kiện, càng phải chăm lo cho anh em tốt hơn để họ làm ăn đỡ vất vả".
Theo ông Phạm Ngọc Bảo - Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết, kể từ khi doanh nghiệp Sáu Ninh hình thành (năm 2000) cho đến nay ăn nên làm ra, dư đủ việc làm ổn định cho mấy trăm ngư dân, tổ đội không bao giờ xảy ra mâu thuẫn. "Không chỉ có tài làm ăn giỏi, ông Linh còn là trung tâm đoàn kết, tập hợp được bà con ngư dân quanh mình tạo nên sức mạnh tổng lực, bởi cách làm công khai, dân chủ, công bằng được bà con ngư dân tín nhiệm, khâm phục", ông Bảo chia sẻ như vậy.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con ngư dân, ông Ninh còn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho ngư dân trong doanh nghiệp của ông. Tết Ất Mùi, ông đều có "túi quà Tết" trao đến tận tay từng người, hỗ trợ tiền giúp đỡ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, cấp vốn ban đầu cho họ có điều kiện làm ăn. Anh Lý Ngọc Vinh tâm sự: "Hai vợ chồng tôi gắn bó với đội tàu của bác Sáu lâu rồi. Tôi làm thuyền trưởng, vợ phụ giúp công việc hậu cần trong bờ. Trước kia lam lũ mưu sinh, được bác Ninh giúp đỡ, cấp vốn, chỉ bảo cho cách làm ăn. Giờ thì kinh tế vững vàng, có của ăn của để. Vợ chồng tôi chịu ơn bác Sáu nhiều lắm".
Ở tuổi ông có quyền "gác kiếm" nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Nghề đi biển vốn rất vất vả, nhưng ông sống vì cộng đồng, muốn phát triển nghề biển. Ông thấy bà con gắn bó với biển, thời gian sống ở biển nhiều hơn trên đất liền. Họ yêu từng mét nước, coi biển là nhà, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết định làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng xin mua 200m2 đất ở đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, làm nơi nghỉ cho ngư dân, hơn nữa cũng là nơi kết nối đảo với đất liền. Trong đơn ông trình bày rõ mục đích: "Một là xây dựng Trạm cho tổ đội đánh bắt thủy sản ra vào, nhất là khi có mưa to gió lớn. Hai là giảm bớt chi phí nguyên liệu. Ba là thời gian bám biển được dài ngày hơn. Bốn là nối đảo với đất liền gần nhau. Năm là để khẳng định chủ quyền Tổ quốc và chủ trương bám biển".
Ông Ninh kể, biết tin này, cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây háo hức lắm, họ điện về cho ông, sẵn sàng giúp ông xây dựng lán xưởng trên hòn đảo tiền tiêu của họ để hằng ngày họ được nghe tiếng cười, được bắt tay bà con thân thương, để thấy đất liền luôn ở bên mình. "Tổ quốc nhìn từ biển", những ngư dân dám bám biển, coi "biển là nhà, đảo là quê hương", noi theo Mẹ Âu Cơ vươn ra biển lập nghiệp, làm cho "dân giàu nước mạnh", sẵn sàng làm phên giậu chở che cho Đất Mẹ như ông Sáu Ninh thật đáng trân trọng.
Bài, ảnh: Dung Nhi