Vĩnh biệt Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, GS.TS. Đại tá Nguyễn Thiện Thành GS. Nguyễn Thiện Thành Sinh ngày: 30/9/1919 Quê quán: Xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tốt nghiệp bác sĩ năm 1945. Được cấp bằng Tiến sĩ Y học năm 1960 tại Liên Xô, được công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 1980. GS. Nguyễn Thiện Thành là đại biểu Quốc hội khóa VI và VII. Khen thưởng: Đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác. |
Ngày 9/8/1945, bác sĩ trẻ Nguyễn Thiện Thành tích cực tham gia biểu tình giành chính quyền. Tháng 10/1945, Nguyễn Thiện Thành gia nhập chi đội Nam tiến Vì dân, chính thức đứng vào hàng ngũ bộ đội cụ Hồ.
Lên đường Nam tiến, BS. Nguyễn Thiện Thành được quyết định phụ trách Quân y Khu V. Sau đó là Đội trưởng Đội phẫu thuật A, bảo đảm công tác quân y phía Bắc mặt trận Thừa Thiên. Cuối năm 1947, BS. Trần Hữu Nghiệp, Tổng Thanh tra Cục Quân y quyết định điều BS. Nguyễn Thiện Thành vào chiến trường Nam Bộ, cử ông làm Trưởng phòng Quân y miền Tây Nam Bộ.
Tại vùng sông nước đồng bằng Cửu Long, bác sĩ trẻ Nguyễn Thiện Thành ra sức xây dựng hệ thống Quân y kháng chiến ở các đơn vị bộ đội chiến đấu cũng như ở các tỉnh, các huyện thuộc Phân khu. Ông trực tiếp tham gia cứu chữa, điều trị cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bị thương vì bom đạn giặc và những căn bệnh đặc thù ở vùng sông nước nhiệt đới.
"Bác sĩ Filatov"
Đầu năm 1950, trong một trận càn của địch, BS. Thành bị bắt. Chúng đưa ông đi qua khắp các nhà lao tỉnh Trà Vinh. Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn. Tại khám Virgile, một người lính viễn chinh mến phục ông đã ngầm giúp đỡ mua và mang sách báo y học cho ông. Những ngày tháng trong tù, BS. Thành bất ngờ đọc được bài báo của H.Vachon đăng trong tạp chí y học Presse Médicale của Pháp về việc áp dụng phương pháp Filatov để chữa bệnh. BS. Nguyễn Thiện Thành cho rằng đây là một thành tựu mới của y học và có triển vọng áp dụng vào điều kiện thực tiễn của chiến trường miền Nam.
![]() GS. Nguyễn Thiện Thành (thứ ba từ trái ) và phu nhân - BS. Dương Thị Minh (thứ tư từ trái) trong Lễ thượng thọ 95 tuổi của giáo sư được tổ chức hôm 28/9/2013 tại nhà riêng ở TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Thành (NLĐ) |
BS. Thành được Pháp trao trả cho ta khi bộ đội ta thả viên đại tá bác sĩ quân y Duris bị bắt trong chiến dịch Biên giới. Trở về đơn vị cuối năm 1951, ông bắt đầu áp dụng phương pháp Filatov trong điều trị cho thương bệnh binh tại Quân y viện miền Tây Nam Bộ, bằng việc đưa các bánh nhau thai của sản phụ đặt vào trong một chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu. Kết quả, hơn 3.000 trường hợp lâm sàng đã được cấy rau Filatov và cho thấy phương pháp này không những góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn làm giảm hẳn tỷ lệ tử vong của thương bệnh binh. Phương pháp này còn làm cho vết mổ ở bụng dễ lành sẹo hơn, chống được sẹo lồi; trị bệnh eczema ở cẳng chân... Phương pháp Filatov nhanh chóng nổi tiếng khắp Nam Bộ. Từ tháng11/1951, phương pháp Filatov chính thức được sử dụng điều trị tại nhiều chiến trường, đem lại những kết quả hết sức khả quan. Ông được kết nạp Đảng Cộng sản trong dịp này.
Năm 1954, BS. Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc. Ít năm sau, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu thần kinh cao cấp của Liên Xô. Năm 1960, BS. Nguyễn Thiện Thành bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Y khoa (nay là Tiến sĩ). Luận án này được giới khoa học và các thầy thuốc Xô Viết đánh giá cao.
Ông được cấp trên chấp nhận tiếp tục thực hiện luận án Tiến sĩ khoa học nhưng ông đã xin về nước. Ông nói: "Đời tôi còn một luận án lớn - đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt còn chìm trong khói lửa chiến tranh".
Chuyên gia chống sốt rét
Năm 1964, TS. Nguyễn Thiện Thành xin vào chiến trường tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của đồng bào miền Nam. Chuyến đi vượt biển vào Nam của ông, mà ông đóng vai là ngư dân trên con tàu không số mang bí số 69, khởi hành ngày 19/12/1964 đầy nguy hiểm, gian nan, vất vả.
Tại chiến trường, ông đã chủ trì nghiên cứu điều trị sốt rét ác tính bằng các phác đồ dùng các thuốc thích hợp với việc nâng cao thể lực, đã cho các kết quả khả quan, giảm đáng kể số tử vong. Ông nghiên cứu các thuốc đặc trị bệnh sốt rét. Ông chấp nhận thử nghiệm thuốc trên cơ thể mình khi chính ông cũng bị sốt rét.
Năm 1967, PTS. Nguyễn Thiện Thành tiếp tục nghiên cứu sâu về đề tài sốt rét. Lần này, ông cùng tập thể Bệnh viện quân y K71 nghiên cứu và áp dụng điều trị chứng suy dinh dưỡng do sốt rét ở anh em tân binh bằng sự kết hợp dùng insuline liều dinh dưỡng với trị liệu Filatov và dùng đường thủy phân bào chế ngay tại chỗ, cung cấp cho cơ thể người bệnh cả glucose và fructose.
Không ngừng ở đó, từ năm 1968, PTS. Nguyễn Thiện Thành cùng tập thể Bệnh viện K71 hoàn chỉnh phương pháp điều trị bệnh sốt rét ác tính thể đái ra huyết sắc tố. Kết quả đã giảm được 50% tỷ lệ tử vong so với nơi khác.
Người đặt nền móng cho chuyên ngành lão khoa
Hơn 40 năm trước, TS. Nguyễn Thiện Thành là người thầy thuốc đã sớm nhìn thấy vai trò của lão khoa, tìm cách đặt nền móng cho chuyên ngành lão khoa tạ̣i Việt Nam. Với sự mẫn cảm, tinh tế của một nhà khoa học giàu sáng tạo và từng trải, từ những năm 1971 - 1972, PTS. Nguyễn Thiện Thành đã nhận thức thấy vấn đề lớn đang đặt ra cho giới y học Việt Nam là bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ tuổi mỗi lúc một cao mà vẫn phải làm việc, chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn.
Sau năm 1975, PTS. Nguyễn Thiện Thành được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương kiêm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện phục vụ cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế.
Năm 1982, GS. Nguyễn Thiện Thành tổ chức nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là kaglutam và spirulina linavina có tác dụng chữa một số bệnh về gan, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.
Người thầy giáo tận tụy
Năm 1986, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thành lập Bộ môn Lão khoa. GS. Nguyễn Thiện Thành là Chủ nhiệm Bộ môn. Ông là người chủ yếu xây dựng chương trình giảng dạy, giáo án, giáo trình cho bộ môn này. Từ năm 1986 - 1988, Bộ môn đã đào tạo hai khóa bác sĩ chuyên khoa cấp một về bệnh tuổi già và điều trị học tuổi già. Từ 1989 đến nay, nhiều lớp bác sĩ chuyên khoa lão khoa ra trường, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người có tuổi khắp các tỉnh phía Nam.
Năm 1989, Bộ Y tế thành lập Trung tâm bảo vệ sức khỏe người có tuổi tại TP. Hồ Chí Minh, GS. Nguyễn Thiện Thành, được Bộ Y tế quyết định cử làm Giám đốc Trung tâm này.
Trong hoạt động của TS. Thành, đặc điểm xuyên suốt, có tính truyền thống, là luôn luôn kết hợp công tác điều trị với nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ở ông lúc nào cũng rực cháy ngọn lửa nhiệt tình, say mê làm việc, nghiên cứu, sáng tạo. Đằng sau những thành công của khối lượng đồ sộ công việc mà ông đạt được là sự miệt mài nghiêm túc, quên mình cho khoa học, cùng với lòng nhân ái. Trong quá trình hoạt động khoa học từ năm 1965 đến năm 1990, giáo sư đã viết 32 tác phẩm y học có giá trị. Ông tổ chức nhiều khóa học và tham gia giảng dạy trên nhiều bục giảng, từ lớp cứu thương đầu tiên của Liên khu V (1945), đến các bậc đại học, sau đại học. Suốt 45 năm qua, đã có hàng trăm học sinh, sinh viên, cán bộ được ông đào tạo đã trở thành những nhà khoa học hữu ích, trong đó có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II y học.
Đại tá, Anh hùng Lao động, GS. TS. Nguyễn Thiện Thành có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà trên các lĩnh vực điều trị lâm sàng, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ cập kiến thức y học cho sự nghiệp y tế Việt Nam.
Năm 1985, GS. Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Khi tuổi đã cao, ông không trực tiếp tham gia các hoạt động như trước nữa, nhưng trái tim ông thành nhịp cầu nối những trái tim. Ông và phu nhân là chủ nhân của một quỹ học bổng cấp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trần Giữu