Một sự lãng phí lớn

21-09-2015 8:00 AM | Tin nóng y tế

SKĐS - Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về thị trường lao động gần đây, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong đó người có trình độ đại học,

Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về thị trường lao động gần đây, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong đó người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 người lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000 người so với năm trước.

Có thể nhìn ra ngay nguyên nhân là trong một thời gian dài, các trường đại học, cao đẳng mới ở nước ta mọc ra như nấm. Hầu như mọi trường đều mở thêm ngành, hệ đào tạo và từ trung cấp, cao đẳng nâng cấp thành đại học. Vì thừa nên ngay trong đợt xét tuyển đại học năm 2015 không ít trường lo lắng vì không có đủ nguồn tuyển sinh so với yêu cầu đề ra. Mặt khác, có lẽ nên gọi người có “trình độ đại học” là người có “bằng đại học” sẽ chính xác hơn bởi sau khi tốt nghiệp, không ít người khó xin được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trình độ, năng lực của họ cũng không cạnh tranh được với lao động ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Sự ế thừa trường đại học và nhân lực có bằng đại học quả là một lãng phí lớn. Lãng phí trước tiên là lãng phí tuổi trẻ với 4 năm ngồi trên ghế ĐH-CĐ cùng với chi phí vật chất thành vô nghĩa trong khi họ có thể cống hiến cho xã hội bằng những công việc làm thích hợp. Sau nữa, cơ sở vật chất của các trường ĐH-CĐ không được khai thác hết trong khi có thể chuyển đổi mục đích khác có hiệu quả hơn. Cuối cùng, tâm lý “lao động gián tiếp” tốt hơn “lao động chân tay” miễn có bằng ĐH khiến tiêu cực phát sinh trong những hiện tượng “chạy việc”. Tất cả những sự lãng phí đó kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Sự lộn xộn trong đào tại ĐH-CĐ khiến nhiều trường ngoài công lập không đủ nguồn vốn ban đầu để xây dựng trường học nên phải thuê địa điểm, thiếu kinh phí để mời giảng viên giỏi giảng dạy vẫn cứ tồn tại khiến lãng phí càng thêm lãng phí. Ngoài những trường ĐH-CĐ ngoài công lập hoạt động cầm chừng, manh mún thì còn rất nhiều trường tốp giữa, tốp dưới hay những trường trực thuộc một số Bộ, ngành, địa phương dù được Nhà nước đầu tư sẵn về cơ sở vật chất nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Họ không tạo được động lực phát triển ngành nghề, nghiên cứu khoa học cũng như đảm bảo đủ giảng viên có trình độ cao giảng dạy nên không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Khi trường ĐH-CĐ muốn có thêm nguồn thu mà không chú trọng đến đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ dẫn đến việc buông lỏng việc quản lý nên sinh viên xuất hiện chuyện thuê người học hộ, nộp tiền và thi lấy bằng. Chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học, cao đẳng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng chục nghìn, trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đáng buồn nhất là để có được bất kỳ một công việc nào nhằm nuôi sống bản thân, nhiều người đã “giấu” đi tấm bằng thạc sĩ, cử nhân của mình.

Xã hội hóa giáo dục để người dân và các tổ chức, đơn vị cùng chung tay đóng góp xây dựng trường học và phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân là cần thiết. Tuy nhiên, mục đích cao cả đó không thể biến thành chuyện kinh doanh giáo dục và đào tạo.

Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần sắp xếp, cơ cấu và hệ thống lại toàn bộ mạng lưới giáo dục đại học sao cho có chất lượng, hiệu quả hơn vì nguồn nhân lực lao động cao của nước nhà cũng như tránh được lãng phí cho dân và cho Nhà nước.

Lưu Thủy

 

 

 


Tags:
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH