Một số vị thuốc tiêu thực, chữa bệnh tiêu hóa

17-09-2021 18:22 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Bệnh tiêu hóa hiện nay khá phổ biến ở Việt Nam. Nguyên nhân gây bệnh là do thói quen ăn uống, vấn đề vệ sinh và môi trường. Dưới đây là một số vị thuốc chữa bệnh tiêu hóa đơn giản, dễ sử dụng và hiệu quả.

Bệnh tiêu hóa ngày càng phổ biến. Các vị thuốc này có tác dụng chủ yếu để khai vị, tiêu thực, giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng; dùng trong trường hợp tiêu hóa không tốt, thức ăn bị đình trệ trong dạ dày ruột, bụng đầy trướng, nuốt chua, buồn nôn, nấc, lợm giọng, đau bụng đi tả.

Khi dùng cần phối hợp cho thích hợp, chẳng hạn: Tiêu hóa không tốt có kèm khí trệ phải phối hợp với thuốc lý khí.

Nếu tích trệ, đầy trướng, khi dùng các thuốc tiêu đạo (tiêu hóa) cần phối hợp với thuốc tả hạ (thuốc xổ). Trường hợp do tì vị hư nhược thì phối hợp với thuốc bổ khí kiện tỳ.

Sơn tra giúp trị rối loạn tiêu hóa

photo-1631803001048

Sơn tra - một vị thuốc chữa bệnh tiêu hóa rất hiệu quả.

Là quả chín của cây sơn tra Malus doumeri (Bois) chev.

Họ: Hoa hồng Rosaceae.

Tính vị: Vị chua, ngọt, tính hơi ấm.

Quy kinh: Nhập vào 3 kinh tỳ, vị, can.

Công năng chủ trị:

Tiêu thực hỏa tích: Dùng khi thức ăn bị tích trệ, bụng đầy trướng, có thể phối hợp với thanh bì, mộc hương, hoặc sơn tra, mạch nha (sao vàng), mỗi thứ 20g. Sắc uống mỗi ngày 2-3 lần để điều trị tiêu hóa không tốt.

Khứ ứ thông kinh: Dùng trong các trường hợp ứ trệ, kinh bế lâu ngày, sau khi đẻ ứ huyết, đau bụng, trong ruột bị ứ tích, đi lỵ ra máu mủ.

Dùng 40g sơn tra sắc uống, có thể thêm ít đường cho đủ ngọt.

Bình can hạ áp: Dùng trong bệnh tăng huyết áp, bệnh co thắt động mạch vành, đau tim, tim đập nhanh. Còn có thể dùng hoa của cây sơn tra để chữa bệnh này.

Bổ khí: Dùng sơn tra tăng sức đề kháng của cơ thể, dùng trong trường hợp chính khí hư, người mệt mỏi. Liều dùng: 8 – 20g.

Sơn tra từ lâu đã được sử dụng trong dân gian, ngoài vị sơn tra nói trên, còn có vị sơn tra bắc.

Khi sử dụng cần chú ý: Những người tì vị hư nhược, không có tích trệ không nên dùng.

Cốc nha dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu

Một số vị thuốc khai vị, tiêu thực, chữa bệnh tiêu hóa - Ảnh 3.

Cốc nha có thể dùng sống hoặc sao vàng.

Là mầm hạt thóc đã phơi khô của cây lúa tẻ.

Tính vị: Vị ngọt, tính ấm.

Quy kinh: Vào kinh tỳ, vị.

Công năng chủ trị:

Tiêu thực hóa tích: Dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, căng đau; có thể phối hợp với sơn tra, thần khúc.

Khai vị, xúc tiến tiêu hóa: Dùng trong các trường hợp tì vị hư nhược, ăn uống không tiêu.

Có thể dùng bài sau: Cốc nha 20g, cam thảo chích 8g, sa nhân 6g, bạch truật 12g, sắc uống trong ngày.

Chú ý: Dùng sống hoặc sao vàng.

Mạch nha

Một số vị thuốc khai vị, tiêu thực, chữa bệnh tiêu hóa - Ảnh 4.

Mạch nha có tác dụng tốt cho tiêu hóa và tiêu sữa.

Là mầm phơi khô của hạt đại mạch họ lúa.

Tính vị: vị mặn, tính bình.

Quy kinh: Vào tỳ, vị.

Công năng chủ trị:

Tiêu thực hóa tích: Dùng trong các trường hợp tiêu hóa không tốt, đầy bụng, ăn uống kém. Có thể dùng mạch nha sao, sơn tra sống. Mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày 1 lần.

Làm mất sữa: Dùng cho các trường hợp bị tích kết, hai vú căng đau, nhức nhối, hoặc sau khi cai sữa cho con. Dùng mạch nha sao 80-100g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang chia 2 lần. Uống liền 3 ngày sữa sẽ hết.

Kiêng kị: Thuốc có tính chất làm mất sữa nên trong thời kì cho con bú không nên dùng.

Chú ý: Mạch nha và cốc nha đều có tác dụng kiện vị, tiêu thực, về hiệu quả thì tương đương nhau nhưng mạch nha có tác dụng làm cho tiêu hóa tốt hơn, còn cốc nha thì có công năng dưỡng vị tốt hơn.

Kê nội kim

photo-1631803006157

Kê nội kim sao vàng, nghiền thành bột mịn uống tốt hơn dạng thuốc sắc.

Là màng bên trong của mề gà.

Tính vị: Vị ngọt, tính bình.

Quy kinh: Nhập vào 4 kinh tỳ, vị, tiểu tràng, bàng quang.

Công năng chủ trị:

Tiêu thực hóa tích, kiện vị: Dùng khi ăn uống bị tích trệ, tiêu hóa không tốt, xuất hiện bụng trướng đầy, buồn bực, bí tích, buồn nôn. Thường phối hợp với thần khúc, mạch nha. Khi phối hợp với kim tiền thảo có tác dụng trị sỏi mật.

Cầm tả: Dùng khi tỳ hư, đi ngoài lỏng lâu ngày.

Cố thận ích tinh: Dùng chữa bệnh di tinh, đái dầm, sỏi bàng quang: Kê nội kim uống với nước sôi để nguôi, mỗi lần 4g.

Liều dùng: 4-12g, tương đương 1 đến 3 lần tùy thuộc thể trạng bệnh.

Chú ý:

* Có thể dùng màng mề vịt (áp nội kim) để thay thế.

* Theo kinh nghiệm điều trị trong nhân dân thì màng mề gà sau khi sao vàng, nghiền bột mịn uống sẽ tốt hơn dạng thuốc sắc, hoặc dùng xát vào các mụn cơm, mụn cóc.

Thuốc giúp điều trị bệnh, song, hiệu quả chữa bệnh và ngăn ngừa tái phát cũng phụ thuộc phần nhiều vào người bệnh. Đặc biệt, đối với bệnh tiêu hóa, cần hết sức chú ý vấn đề vệ sinh và chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội

Thùy Linh
Ý kiến của bạn