1. Thuốc hạ huyết áp và NSAID: Nguy cơ giảm hiệu quả kiểm soát huyết áp
Một trong những tương tác thường gặp nhất là giữa thuốc hạ huyết áp và nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen...
NSAID có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở các nhóm thuốc như ức chế men chuyển (ACEI), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc lợi tiểu và chẹn beta.
- 1. Thuốc hạ huyết áp và NSAID: Nguy cơ giảm hiệu quả kiểm soát huyết áp
- 2. Thuốc hạ huyết áp và thuốc lợi tiểu giữ kali: Nguy cơ tăng kali máu
- 3. Thuốc chẹn beta và thuốc điều trị hen hoặc COPD: Tăng nguy cơ co thắt phế quản
- 4. Thuốc chẹn kênh calci và thuốc ức chế CYP3A4: Nguy cơ tụt huyết áp hoặc độc tính
Cơ chế được cho là do NSAID gây co mạch thận thông qua ức chế tổng hợp prostaglandin – một yếu tố quan trọng trong duy trì lưu lượng máu đến thận. Hậu quả là giảm mức lọc cầu thận, giữ muối và nước, từ đó đối kháng lại tác dụng hạ huyết áp của thuốc điều trị.
Tương tác này đặc biệt đáng lưu ý ở người cao tuổi, bệnh nhân suy thận mạn, hoặc người đang dùng đa thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng NSAID trong thời gian ngắn, cần theo dõi huyết áp và chức năng thận chặt chẽ.
Một số NSAID như celecoxib có thể có mức độ ảnh hưởng ít hơn, nhưng vẫn cần thận trọng. Nếu có thể, nên lựa chọn thuốc giảm đau thay thế như paracetamol ở bệnh nhân tăng huyết áp đang được điều trị.

NSAID có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở các nhóm thuốc như ức chế men chuyển (ACEI), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc lợi tiểu và chẹn beta.
2. Thuốc hạ huyết áp và thuốc lợi tiểu giữ kali: Nguy cơ tăng kali máu
Thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (ACEI), chẹn thụ thể AT1 (ARB) và thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolactone hoặc eplerenone đều có khả năng làm tăng nồng độ kali máu. Khi phối hợp các thuốc này với nhau hoặc với các thuốc khác ảnh hưởng đến kali, nguy cơ tăng kali máu nghiêm trọng sẽ tăng lên.
Tăng kali máu có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, chậm nhịp, hoặc trong trường hợp nặng có thể gây ngưng tim. Biểu hiện lâm sàng có thể không rõ ràng, do đó cần theo dõi điện giải đồ định kỳ trong quá trình điều trị phối hợp.
Tương tác này thường gặp ở bệnh nhân suy thận, đái tháo đường, người cao tuổi hoặc những người ăn nhiều thực phẩm giàu kali. Ngoài ra, dùng thêm các thuốc bổ sung kali đường uống hoặc thay thế muối bằng muối kali cũng làm tăng nguy cơ.
Trong một số trường hợp như suy tim có phân suất tống máu giảm, phối hợp spironolactone với ACEI/ARB là cần thiết nhưng phải được giám sát nghiêm ngặt. Cần khuyến cáo bệnh nhân nhận biết dấu hiệu tăng kali như yếu cơ, rối loạn nhịp và báo lại nếu có triệu chứng.
3. Thuốc chẹn beta và thuốc điều trị hen hoặc COPD: Tăng nguy cơ co thắt phế quản
Thuốc chẹn beta như propranolol, atenolol hay bisoprolol được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp, đặc biệt ở bệnh nhân có kèm bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, đặc biệt khi phối hợp với các thuốc điều trị hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Thuốc chẹn beta không chọn lọc có thể gây co thắt phế quản, đặc biệt là ở những người có bệnh lý hô hấp như hen suyễn hoặc COPD.
Thuốc chẹn beta không chọn lọc (như propranolol) có thể ức chế thụ thể beta - 2 ở phổi, gây co thắt phế quản, đối kháng với tác dụng giãn phế quản của các thuốc chủ vận beta - 2 như salbutamol. Hậu quả là làm trầm trọng thêm triệu chứng khó thở, khò khè ở bệnh nhân hen hoặc COPD.
Với bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc chẹn beta, nên ưu tiên chọn loại có tính chọn lọc beta - 1 cao như bisoprolol hoặc metoprolol, dùng ở giai đoạn hen ổn định hay COPD ổn định và sử dụng ở liều thấp nhất có hiệu quả. Tuy nhiên, ngay cả khi dùng loại chọn lọc, nguy cơ co thắt phế quản vẫn không hoàn toàn được loại bỏ.
Việc phối hợp giữa thuốc chẹn beta và thuốc giãn phế quản cần được cá thể hóa và theo dõi sát. Bác sĩ nên đánh giá kỹ nguy cơ - lợi ích và hướng dẫn bệnh nhân nhận biết dấu hiệu co thắt phế quản để xử trí sớm nếu xảy ra.
4. Thuốc chẹn kênh calci và thuốc ức chế CYP3A4: Nguy cơ tụt huyết áp hoặc độc tính
Thuốc chẹn kênh calci nhóm dihydropyridine như amlodipin, nifedipin được chuyển hóa chủ yếu qua hệ enzym CYP3A4 ở gan. Khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế mạnh CYP3A4 như clarithromycin, ketoconazole, ritonavir, nước bưởi (grapefruit juice), nồng độ thuốc chẹn kênh calci trong máu có thể tăng lên đáng kể.
Tác động này làm tăng nguy cơ tụt huyết áp quá mức, phù ngoại biên hoặc các tác dụng không mong muốn khác như nhức đầu, chóng mặt, đánh trống ngực. Ngược lại, nếu dùng chung với chất cảm ứng CYP3A4 như rifampin, carbamazepine, hiệu quả của thuốc có thể bị giảm rõ rệt.
Tương tác này không chỉ giới hạn trong thuốc mà còn liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt nước bưởi, do có khả năng ức chế enzym gan kéo dài tới vài ngày. Vì vậy, bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn kênh calci nên tránh uống nước bưởi.
Khi kê toa thuốc mới cho bệnh nhân đang dùng chẹn kênh calci, cần kiểm tra tương tác và điều chỉnh liều nếu cần thiết và việc theo dõi huyết áp thường xuyên trong những ngày đầu phối hợp thuốc cũng rất quan trọng.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Gợi ý cách hạ huyết áp tự nhiên hiệu quả không dùng thuốc | SKĐS