Một số thuốc và phương pháp điều trị xơ vữa động mạch

19-04-2025 10:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Xơ vữa động mạch xảy ra khi các mảng bám chứa chất béo hình thành trong động mạch, khiến động mạch cứng và hẹp lại… làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nguy hiểm như đau tim, đột quỵ…

Xơ vữa động mạch có thể làm giảm lưu lượng máu đến các vùng khác nhau của cơ thể, tùy thuộc vào động mạch nào bị ảnh hưởng. Việc điều trị xơ vữa động mạch thường rất quan trọng khi ảnh hưởng đến các động mạch dẫn đến tim (còn gọi là bệnh động mạch vành – CAD).

Tuy nhiên, bất kể vị trí hoặc mức độ nghiêm trọng của nó, bác sĩ có thể khuyến nghị áp dụng một số phương pháp điều trị xơ vữa động mạch để ngăn ngừa tình trạng này trở nên trầm trọng hơn và phòng ngừa biến chứng, vì nhiều biến chứng trong số này có thể rất nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ…

Dưới đây là một số phương pháp điều trị xơ vữa động mạch:

1. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống thường là phương pháp điều trị đầu tay cho những người được chẩn đoán xơ vữa động mạch. Một số thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình tiến triển của xơ vữa động mạch.

Thay đổi lối sống bao gồm:

- Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim: Bằng cách tập trung ăn các loại thực phẩm tốt cho tim và tránh một số loại thực phẩm gây hại tim, có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch và bệnh tim, chẳng hạn như cân nặng, huyết áp, cholesterol và glucose trong máu...

Chế độ ăn tốt cho tim mạch được hiểu rộng rãi là chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, ít carbohydrate tinh chế, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri...

- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá sẽ làm hỏng động mạch. Đối với người hút thuốc, bỏ huốc lá là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn và giảm nguy cơ biến chứng.

7 cách ăn uống bảo vệ sức khỏe tim mạch

Chế độ ăn tốt cho tim có thể giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch.

- Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp lưu thông máu và giúp cơ thể sử dụng oxy hiệu quả hơn, hạn chế tổn thương do lưu lượng máu giảm do xơ vữa động mạch.

- Quản lý cân nặng khỏe mạnh: Đối với người thừa cân, giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao và mức cholesterol không lành mạnh, cả hai yếu tố này đều có thể góp phần gây xơ vữa động mạch. Theo đó, ở người lớn, cân nặng khỏe mạnh thường được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) - phép đo dựa trên chiều cao và cân nặng nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9. Bạn cũng nên theo dõi chu vi vòng eo của mình, có thể được coi là không lành mạnh nếu trên 88,9 cm đối với nữ hoặc trên 101,6 cm đối với nam.

- Cố gắng kiểm soát căng thẳng: Các kỹ thuật như thư giãn có hướng dẫn, hít thở sâu, thiền và yoga có thể giúp giảm căng thẳng.

2. Thuốc điều trị xơ vữa động mạch

Một số loại thuốc đã được chứng minh là có tác dụng làm chậm hoặc đảo ngược quá trình tiến triển của xơ vữa động mạch, giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng, bao gồm các loại thuốc thuộc các nhóm sau:

2.1 Thuốc điều trị cholesterol

Thường dùng nhóm thuốc statin để làm giảm cholesterol LDL (lipoprotein tỉ trọng thấp hoặc cholesterol "xấu"), giúp ngăn ngừa hoặc thậm chí đảo ngược sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Statin ngăn chặn một loại enzyme gọi là HMG-CoA reductase, kiểm soát quá trình sản xuất cholesterol trong gan. Ngoài việc điều chỉnh lượng cholesterol, statin có thể giúp ổn định niêm mạc động mạch tim và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Một số statin phổ biến: Lovastatin, simvastatin, pravastatin, fluvastatin, atorvastatin, rosuvastatin.

Lợi ích của statin trong điều trị thường vượt trội so với nguy cơ mà thuốc gây ra. Tuy nhiên, vẫn có một số tác dụng phụ cần lưu ý như: Đau và tổn thương cơ, tổn thương gan, tăng đường huyết hoặc đái tháo đường type 2 và một số tác dụng phụ trên thần kinh… Khi gặp tác dụng phụ người bệnh không được tự ý ngừng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ biết để được ứng phó thích hợp.

Một số loại thuốc không phải statin cũng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc các biến cố tim, bao gồm:

- Ezetimbe có tác dụng ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol.

- Axit bempedoic có tác dụng chỉ thị cho gan sản xuất ít cholesterol hơn.

- Thuốc ức chế PCSK9 làm tăng thụ thể LDL ở gan, giúp loại bỏ LDL lưu thông ra khỏi máu.

2.2 Thuốc chống đông máu

Thường dùng aspirin để làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch. Do đó, việc uống aspirin liều thấp hàng ngày theo khuyến cáo của bác sĩ có thể làm giảm nguy cơ đau tim ở những người mắc bệnh động mạch vành do xơ vữa động mạch.

Ngoài ra, clopidogrel cũng thường được sử dụng. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, do đó cần lựa chọn cẩn thận loại thuốc và thời gian dùng thuốc.

2.3 Thuốc huyết áp

Thuốc hạ huyết áp không giúp đảo ngược tình trạng xơ vữa động mạch nhưng chúng ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng liên quan đến bệnh. Ví dụ, một số loại thuốc huyết áp có thể giúp giảm nguy cơ đau tim như:

- Thuốc chẹn beta: Được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh động mạch vành. Thuốc làm giảm nhịp tim và làm giãn mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ đau tim và một số vấn đề về nhịp tim.

- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Thuốc ức chế ACE có thể giúp làm chậm quá trình xơ vữa động mạch bằng cách hạ huyết áp và làm giãn mạch máu, giảm nguy cơ đau tim.

- Thuốc chẹn kênh canxi: Những loại thuốc này làm giảm huyết áp và làm giãn mạch máu. Thuốc chẹn kênh canxi đôi khi cũng được dùng để điều trị đau thắt ngực (đau ngực).

- Thuốc lợi tiểu: Giúp hạ huyết áp bằng cách giảm tình trạng tích tụ chất lỏng trong cơ thể.

2.4 Các loại thuốc khác

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ cụ thể của xơ vữa động mạch như bệnh tiểu đường hoặc các triệu chứng của xơ vữa đọng mạch…

Một số thuốc và phương pháp điều trị xơ vữa động mạch- Ảnh 2.

Có rất nhiều loại thuốc trị xơ vữa động mạch, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

3. Điều trị phẫu thuật cho bệnh xơ vữa động mạch

Đối với những người bị xơ vữa động mạch nghiêm trọng hoặc tình trạng bệnh không đáp ứng đầy đủ với thuốc có thể phải phẫu thuật.

Các thủ thuật phẫu thuật được sử dụng để điều trị xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Nong mạch
  • Phẫu thuật cắt bỏ mảng bám trong động mạch
  • Ghép bắc cầu

4. Liệu pháp thay thế

Có một số bằng chứng cho thấy một số loại thực phẩm và thực phẩm bổ sung có thể giúp giảm cholesterol LDL (xấu) cao và huyết áp - hai yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch.

Những thực phẩm và thực phẩm bổ sung có thể có lợi bao gồm:

  • Axit alpha-linolenic (ALA)
  • Beta sitosterol
  • canxi
  • Dầu gan cá tuyết
  • Coenzym Q10
  • Dầu cá
  • Axit folic
  • Tỏi
  • Cám yến mạch
  • Axit béo Omega-3
  • Mã đề
  • Trà (đen hoặc xanh)
  • Vitamin C

Tuy nhiên, nêm tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ dùng loại thực phẩm bổ sung nào. Một số phương pháp điều trị có thể không hiệu quả hoặc thậm chí có hại cho sức khỏe vì chúng có thể tương tác với thuốc theo đơn và gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

5. Lưu ý trong điều trị

- Có nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị xơ vữa động mạch. Khi các triệu chứng tổn thương cơ quan liên quan đến xơ vữa động mạch xuất hiện, phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng, ví dụ:

+ Ảnh hưởng đến tim: Các phương pháp điều trị bệnh động mạch vành bao gồm thuốc kiểm soát các triệu chứng đau thắt ngực (nitrat, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi) và ngăn ngừa đau tim (aspirin và thuốc chẹn beta); nong bóng động mạch vành khi cần thiết.

+ Ảnh hưởng đến não: Phương pháp điều trị giúp ngăn ngừa các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) và đột quỵ thường bao gồm một hoặc nhiều loại thuốc chống tiểu cầu như aspirin, dipyridamole và clopidogrel. Nếu động mạch cảnh rất hẹp, có thể khuyến nghị thực hiện thủ thuật mở động mạch.

+ Ảnh hưởng đến bụng: Khi xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho ruột, bệnh nhân có thể được điều trị bằng phương pháp nong bóng có hoặc không có stent hoặc ghép động mạch bắc cầu.

+ Ảnh hưởng đến chân: Các biện pháp chính để điều trị bệnh động mạch ngoại biên là bỏ thuốc lá, tập thể dục (thường là chương trình đi bộ) và aspirin. Những người bị hẹp động mạch nghiêm trọng có thể được điều trị bằng nong động mạch bằng bóng có hoặc không có stent, nong động mạch bằng laser, cắt bỏ mảng xơ vữa hoặc ghép bắc cầu…

- Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc về liều dùng, khoảng cách dùng thuốc và liệu trình điều trị. Một số thuốc có thể cần phải dùng suốt đời trong một số trường hợp.

- Không dùng đơn thuốc của người khác.

- Trong quá trình sử dụng thuốc cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được ứng phó thích hợp. Không tự ý bỏ thuốc.

6. Phòng ngừa xơ vữa động mạch

Có thể giảm nguy cơ và giảm tác động của xơ vữa động mạch bằng cách:

  • Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri (muối) và đường.
  • Vận động thể chất thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh
  • Kiểm soát mọi tình trạng sức khỏe, đặc biệt là bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao.
  • Không sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
  • Đi khám sức khỏe thường xuyên…

Mời độc giả xem thêm:

Chuột rút ở bắp chân, cảnh giác với xơ vữa động mạch ngoại biênChuột rút ở bắp chân, cảnh giác với xơ vữa động mạch ngoại biên

SKĐS -Nhiều người than phiền về tình trạng đau kiểu chuột rút ở bắp chân nhất là sau khi đi bộ một đoạn. Tình trạng đau khiến nhiều người phải dừng lại, đau giảm hoặc hết đau khi nghỉ khoảng vài phút. Đây rất có thể là biểu hiện của xơ vữa động mạch ngoại biên.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn