Hà Nội

Một số thuốc làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

22-02-2023 09:05 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh nhân đái tháo đường thường mắc kèm các bệnh lý khác và buộc phải dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, các thuốc dùng để điều trị bệnh mắc kèm cũng góp phần làm tăng đường huyết, thậm chí tăng rất cao và đòi hỏi phải điều trị can thiệp tích cực.

1. Các thuốc gây tăng đường huyết

1.1 Thuốc điều trị tăng huyết áp

Bệnh nhân đái tháo đường thường có nguy cơ cao mắc kèm bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị tăng huyết áp lại làm tăng đường huyết, khiến cho việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.

- Thuốc lợi tiểu

Các thuốc lợi tiểu như furosemide, bumetanide, acetazolamide, indapamide, đặc biệt là thiazide điều trị tăng huyết áp, suy tim... có thể gây tăng đường huyết do trực tiếp làm giảm tiết insulin ở tuỵ và làm tăng đề kháng với insulin.

Cơ chế gián tiếp là hầu hết các thuốc lợi tiểu này đều gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu. Vì vậy thuốc ảnh hưởng đến quá trình tiết insulin ở tuỵ - vốn cần đủ kali máu mới thực hiện tốt chức năng của mình.

Một số thuốc làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 1.

Một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.

Diazoxide là một loại thuốc lợi tiểu khác có tác dụng hạ huyết áp mạnh và cũng gây tăng đường huyết mạnh. Khả năng gây tăng đường huyết của diazoxide mạnh đến mức nó được chọn làm tác nhân gây bệnh đái tháo đường cho động vật thí nghiệm. Cơ chế gây tăng đường huyết là do diazoxide ức chế sản xuất insulin ở tuỵ.

- Các thuốc chẹn beta giao cảm

Bao gồm các thuốc propranolol, atenolol, metoprolol... được dùng trong điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh... Các thuốc này có thể gây tăng đường huyết nhẹ do vừa làm tăng sản xuất thêm đường glucose mới, vừa làm giảm sản xuất insulin ở tuỵ.

Tuy nhiên trong thực hành điều trị bệnh đái tháo đường, người ta ít để ý đến tác dụng làm tăng đường huyết nhẹ của các thuốc này mà lại chú ý nhiều đến tác dụng làm mờ nhạt các triệu chứng của hạ đường huyết (làm giảm run tay, giảm vã mồ hôi...).

Một số thuốc khác như các thuốc chẹn kênh canxi điều trị tăng huyết áp như: Nifedipin, amlodipin, lacidipin có khả năng gây tăng đường huyết rất nhẹ.

1.2 Thuốc điều trị bệnh thần kinh

- Phenytoin: Là thuốc dùng để kiểm soát cơn động kinh, chống co giật, chỉ định để điều trị các cơn động kinh lớn, động kinh cục bộ và cả động kinh tâm thần vận động. Thuốc cũng có thể được chỉ định điều trị bệnh loạn nhịp tim ở một số trường hợp.

Trong bệnh đái tháo đường, thuốc có thể được chỉ định để điều trị biến chứng thần kinh, có tác dụng làm giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tăng đường huyết nhiều do ức chế giải phóng insulin từ tuỵ.

- Phenobarbital sodium: Là một loại thuốc an thần gây ngủ, có thể gây tăng đường huyết gián tiếp ở những bệnh nhân đái tháo đường được điều trị bằng các thuốc sulphonylurea.

Nguyên nhân là phenobarbital làm tăng chuyển hóa sulphonylurea qua gan, làm tăng thải trừ sulphonylurea ra khỏi cơ thể, do đó làm giảm tác dụng hạ đường huyết của các thuốc này.

1.3 Thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu cũng là một bệnh thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, khi dùng thuốc điều chỉnh lipid máu cần thận trọng với tác dụng gây tăng đường huyết.

Nicotinic acid, một loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu ở các bệnh nhân đái tháo đường có thể gây tăng đường huyết nhẹ. Mặc dù đến nay cơ chế gây tăng đường huyết của thuốc còn chưa được biết rõ, nhưng người ta giả thiết là nicotinic acid gây đề kháng insulin, do vậy làm giảm tác dụng của insulin.

1.4 Các thuốc khác

- Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID) điều trị bệnh viêm khớp.

- Thuốc ức chế miễn dịch cyclophosphamide trong điều trị ung thư.

-Chất kích thích: Nicotine có trong khói thuốc lá, caffein trong cà phê... qua các nghiên cứu đều có thể làm tăng đường huyết.

Mặc dù trong các nghiên cứu, các thuốc này gây tăng đường huyết ít và hiếm khi gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên bệnh nhân đái tháo đường đều được khuyến cáo không nên lạm dụng các thuốc này nhất là các thuốc NSAID, đồng thời cũng nên bỏ thuốc lá và hạn chế uống cà phê.

- Dầu cá: Một điều khá ngạc nhiên là thuốc dầu cá có chứa acid béo marine (ω -3 fatty acid) đôi khi được dùng để điều trị tăng triglyceride máu ở đái tháo đường, lại cũng có thể làm tăng đường huyết, nhưng không nhiều. Nó chỉ có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết khi dùng với liều cao.

- Các loại thuốc dưới dạng xiro, gói bột có chứa đường: Thường là các thuốc giảm ho hoặc thuốc điều trị cảm cúm. Trong nhóm này có rất nhiều loại thuốc, trong thành phần của thuốc có chứa đường để tạo vị ngọt và mùi thơm nhằm giúp người bệnh dễ uống thuốc. Điều này làm tăng đường huyết cho bệnh nhân, do đó, với bệnh nhân đái tháo đường có khuyến cáo tránh dùng các chế phẩm thuốc dạng này.

2. Kiểm soát tăng đường huyết do thuốc như thế nào?

Tăng đường huyết làm tăng nguy cơ bị các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Do đó cần phải điều trị để mức đường huyết về chỉ số an toàn.

- Danh sách các thuốc làm tăng đường huyết khá dài. Đôi khi ngay cả các bác sĩ không phải chuyên khoa đái tháo đường cũng không biết hết để có lời khuyên cho bệnh nhân. Vì thế khi mắc đái tháo đường và bị thêm một bệnh nào đó nữa, cần thông báo cho bác sĩ điều trị đái tháo đường về các thuốc mình sắp uống, để được tư vấn hoặc điều chỉnh thuốc hạ đường huyết một cách an toàn, phù hợp và hiệu quả điều trị cả 2 bệnh.

Một số thuốc làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 3.

Trước khi dùng bất kỳ thuốc gì, cần thông báo cho bác sĩ điều trị bệnh đái tháo đường để được hướng dẫn hạn chế tác dụng phụ.

- Khi bệnh nhân đái tháo đường dù thuộc type nào nếu cần dùng thuốc để điều trị bệnh lý đi kèm, thì cần thường xuyên kiểm tra đường huyết và cân nhắc điều trị can thiệp ngay khi thấy đường huyết tăng cao.

- Việc sử dụng thuốc hạ đường huyết dạng tiêm hay uống phụ thuộc vào từng bệnh nhân và do bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường chỉ định. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý tăng hoặc giảm liều khi thấy có mức đường huyết không trong giới hạn an toàn.

- Trường hợp các thuốc gây đường huyết tăng nhẹ thì cần tăng liều insulin tác dụng nhanh nếu là bệnh nhân đái tháo đường type 1. Với bệnh nhân đái tháo đường type 2, có thể kiểm soát được đường huyết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục. Khi đã điều chỉnh tốt mà chưa thấy hiệu quả, có thể tăng liều thuốc hạ đường huyết.

Mời độc giả xem thêm video:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải

TS.Nguyễn Vinh Quang
Nguyên PGĐ BV Nội tiết TW
Ý kiến của bạn